Chuyện giữ rừng của những “kiểm lâm” già

Họ là những người đã đem công sức và nhiệt huyết để giữ từng mảnh đất, tán lá, cành cây của rừng. Họ, thậm chí còn đem cả tính mạng của mình để giữ cho rừng xanh mãi. Họ coi đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ thiêng liêng, mặc dù chẳng ai bắt mình phải thế cả. Họ không ai khác là 65 ông già ở bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Giữ rừng như giữ hơi thở của mình

Điều trước tiên cần khẳng định, công việc giữ rừng không chỉ một mình những người ở Tông Khao mới làm được, nhưng đúng là hiếm nơi nào lại có mô hình đặc sắc, quyết tâm giữ được tán rừng bất tận như ở Tông Khao. Theo ông Lò Văn Cu, Chi hội trưởng Hội NCT, diện tích rừng mà chị Hội tham gia bảo vệ với tổng diện tích 42,7ha, trong đó 30 ha là rừng tái sinh, 12,7 ha rừng trồng mỗi năm.

Tôi theo chân ông Lò Văn Cu trong một sáng đi tuần rừng. Vẫn như mọi khi, công việc được bắt đầu từ 5h sáng cho đến cuối buổi chiều. Ông Lò Văn Cu dắt một con dao rựa đằng sau lưng, chuẩn bị túi rết, cơm nắm muối vừng, thế là lên đường. Vừa đi ông vừa giới thiệu từng loại cây mà ông và những người trong chi hội đang gìn giữ bằng tất cả tâm sức của mình. Ông Cu bảo, rừng là lá phổi xanh, là bà mẹ thiên nhiên và cánh tay lôi nhiệm màu nâng đỡ cho hệ sinh thái của chúng. Thế nhưng, buồn thay, mấy năm trở lại đây, rừng bị tàn phá ghê gớm, bị khai thác một cách vô tội vạ, nhìn cảnh tượng đó không ai không chạnh lòng. Đặc biệt, tình trạng đốt nương làm rẫy, cách thức sống du mục, đã giết hại một số cánh rừng nguyên sinh. Những cánh rừng xanh bất tận bao đời mới có được cứ dần mất đi vì bàn tay tàn ác của con người. Một số nơi rừng bị tróc nã, núi đồi trơ khấc hệt như một ông sự bị cạo trọc đầu.

Không thể đứng nhìn rừng bị tàn phá.

Đứng trước thực trạng nhức nhối đó, sau khi nghỉ hưu, 12 thành viên gồm toàn những người nhiệt huyết như ông Lò Văn Cu, Lường Văn Ân, Lường Văn Yến, Lò Văn Cụt, Lò Văn Ngọc, Lò Văn Chinh, Phùng Văn Muôn, Lò Văn Én, Lò Văn Pánh, Lường Văn Nhói, Lường Văn Lả, Lò Văn Ọm…hội tụ nhau lại để chung sức chung lòng cứu lấy những cánh rừng xanh thẳm. “Chúng tôi khoanh được cả thể 4ha rừng, tiến hành cải tạo rừng khu, tiến hành trồng hột xoan nhưng không có kết quả gì. Đến năm 1995, có dự án 327 do xí nghiệp cây công nghiệp huyện Điện Biên (thuộc tỉnh Lai Châu cũ) đầu tư với mục đích phủ xanh đồi núi trọc. Thấy rằng đây là một dự án hữu ích trong vấn đề bảo vệ thiên nhiên, chúng tôi đã rủ nhau cùng làm. Bàn giao xong, họ chở 10 vạn cây giống gồm cây lát, keo để trồng thí điểm trước. Sau 3 tháng trồng trên diện tích ban đầu, khảo sát tỉ lệ đạt 85% cây sống sót. Thành công bước đầu ấy đã đem lại niềm tin để mọi người có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi công việc”.

Giữ rừng bằng kỉ luật thép

Ông Lò Văn Cu thở hắt – bảo: Công việc trồng rừng vốn đã khó nhưng việc giữ được rừng thì quả là một hành trinh đầy gian gian. Do diện tích đất rừng quá rộng, nên chi Hội đã tiến hành phân công, cắt cử từng thành viên trong chi Hội thay phiên nhau bảo vệ rừng. “Chúng tôi chia làm 4 tổ, mỗi tổ trông coi một tháng. Sau mỗi tổ lại chia cắt cử từng hội viên đi kiểm tra vào mỗi ngày nhất định. Trong quá trình đi kiểm tra rừng, nếu phát hiện mất dấu dù chỉ một cành cây cũng phải tìm ra nguyên nhân. Nếu không có lý do chính đáng, thì hội viên đó phải chịu trách nhiệm trước chi Hội”.

Ông Cu bảo, những cái khó ở đây nữa là, việc trông rừng cũng chỉ thực hiện được trong ban ngày, còn đêm thì không thể kiểm soát hết được. Bởi đêm là khoảng thời gian thuận lợi để các đối tượng chặt rừng hoạt động mạnh, mà lực lượng của Hội khá mỏng, không thể kiểm soát hết được nên rừng liên tiếp bị chặt trộm, bị đốn hạ một cách vô tội vạ. Có nhiều trường hợp, người ta còn đến nhận xằng nhận bừa rừng nữa. “Khi rừng còn bé, chúng tôi bảo vệ, chăm sóc và nâng niu nhưng khi rừng lớn, một số cá nhân cứ đến nhận là đất rừng do họ trồng. Chúng tôi phải nhờ đến sự can thiệp của các cấp chính quyền địa phương mới giải quyết” ông Cu chia sẻ.

Một buổi kiểm tra rừng của những “kiểm lâm già”.

Để minh chứng cho những “lời thề giữ rừng” này, ông Cu, ông Ọm, một số hội viên của Hội đã dẫn chúng tôi đi vào sâu khu rừng do Hội trực tiếp quản lý và bảo vệ. Rừng ở đây cứ xanh bời bời, đua nhau vươn lên trời xanh như biểu hiện của một sức sống bất diệt. Rừng xanh với keo, lát, tre, vầu, những cây thảo mộc cứ thế đan cài vào nhau như mạng nhện, tạo thành một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Có một cái lối mòn nhỏ, đó là nơi hằng ngày các hội viên thường lần theo để đi tuần rừng. Chim chóc hót hú vang dọc cánh rừng như một bản nhạc hội mùa xuân đa giọng điệu.

Buổi đi tuần của các “chiến sĩ kiểm lâm già” vẫn được duy trì đều đặn, bất kể ngày mưa ngày nắng. Bởi theo các ông, nếu công việc tuần rừng không duy trì sẽ là cơ hội cho các đối tượng chặt phá rừng…nổi dậy. Càng vào thời tiết khắc nghiệt lại càng phải kiểm tra gắt gao hơn, nghiêm túc hơn. Và cứ sau mỗi buổi đi tuần, các hội viên có nhiệm vụ báo cáo lại với Chi Hội trưởng về hiện trạng, rồi tiếp tục bàn giao cho tổ kiểm tra khác. Vì tính kỷ luật này và dưới bàn tay của các “kiểm lâm già”, mà suốt bao nhiêu năm qua, rừng ở đây hầu như đều giữ vẫn được bảo vệ nguyên vẹn.

Ông Lường Văn Ọm cũng bày tỏ rằng, ở đây chúng tôi không đủ lực lượng để kiểm soát hết hành động phá hoại rừng của một số người. Có khi người ta lợi dụng những đêm trăng sáng rồi đi lấy củi, hái măng, nhưng kỳ thực lại lén lút chặt phá rừng. Điều này gây bất lợi cho công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Ông cũng mạnh dạn đề xuất rằng, vì ranh giới giữa rừng cá nhân và rừng chung còn chưa rõ ràng nên rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc minh bạch hóa vấn đề này. Thứ nữa là, vào những mùa khô, hanh, rừng rất dễ bị cháy, vì thế chúng tôi mong muốn có băng cả lửa để khi xảy ra trường hợp đó còn có dụng cụ kịp thời chữa cháy. Chẳng hạn như dao, ủng, bảo hộ những thứ rất cần cho việc đi rừng, tuần rừng và bảo vệ rừng thì hầu như chúng tôi không có”.

Ông Lò Văn Cu đang chăm sóc những cây keo con.

Chúng tôi rời cánh rừng của các “kiểm lâm già” khi ánh mặt trời đã xuống núi. Càng cảm phục trước hành động cao cả của các ông lại càng thấy xót xa bấy nhiêu. Bởi, ở đâu đó, người ta vẫn đối xử với rừng một cách bạc bẽo, vẫn đốn hạ, quật ngã rừng một cách không thương tiếc. Rừng chảy máu. Những cánh rừng nguyên sinh kia cứ dần mất đi chỉ còn lại núi đồi trơ khấc. Nghĩ thế, tôi chợt nhớ tới lời của các Hội viên ở đây. Họ bảo, thôi thì họ phá rừng thì đã có chúng tôi trồng rừng. Chúng tôi còn sống ngày nào thì rừng sẽ được bảo vệ, sẽ không bao giờ mất đi màu xanh bất tận này. Đã có các thầy cô giáo tận tâm với sự nghiệp “trồng người”, hãy để các già này “trồng rừng” để cho đời…xanh mãi.

Minh Phúc