Làm giàu từ mô hình trồng cây địa Lan Sa Pa

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Từ chỗ trồng để chơi, để thưởng thức trong mỗi dịp tết đến, nhưng những năm trở lại đây trồng địa Lan đã trở thành mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người dân tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Xã Tả Phìn nằm ở phía Bắc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 12km, có tổng diện tích tự nhiên là 2,718 ha. Địa hình của xã chủ yếu là đồi dốc, núi đá không cây, địa hình tương đối phức tạp và đa dạng, đặc trưng chung của các xã vùng cao. Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao đỏ.

Xã Tả Phìn còn là một điểm du lịch hấp dẫn của huyện Sa Pa với phong cảnh đẹp, nhiều nét văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc Mông và Dao đỏ. Ấn tượng đầu tiên khi đến với Tả Phìn là những vườn hoa địa Lan được các hộ gia đình ở đây trồng và chăm sóc, những chậu hoa địa Lan thật đẹp và quyến rũ với những cành hoa có chiều dài từ 10 – 50cm, mỗi cành hoa có hàng chục búp hoa xếp luân phiên theo đường  xoắn ốc. Loài hoa này không chỉ mang đến vẻ đẹp mà còn mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con nơi đây có được cuộc sống ổn định, sung túc.

Mỗi chậu Lan như này có giá khoảng từ 2 – 3 triệu đồng.

Được mọi người giới thiệu, chúng tôi tìm đến vườn địa Lan của gia đình anh Sùng A Sa người dân tộc Mông ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn. Tại đây, chúng tôi được anh Sùng A Sa niềm nở đón tiếp. Anh Sa cho hay, nhận biết được cây hoa địa Lan mang lại giá trị kinh tế cao lại hợp với khí hậu ôn hoà nơi anh đang sinh sống được thiên nhiên ban tặng, anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng cây hoa địa Lan với hơn 100 chậu Lan to, nhỏ khác nhau. Mỗi năm cho thu nhập kinh tế gia đình từ 60 – 100 triệu đồng.

Khi được hỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc loài hoa này anh Sa cũng rất vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Cây địa Lan đòi hỏi kỹ thuật cao và yêu cầu chặt chẽ về điều kiện khí hậu, thời tiết. Xã Tả Phìn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu ôn hòa rất thích hợp để trồng loài hoa này. Để trồng được địa Lan, ban đầu cần tách củ ở dưới thân ra cho nảy mần rồi đem trồng ở chậu hoặc xô nhỏ , khi cây to ra và bắt đầu sinh trưởng mạnh thì chuyển cây sang chậu xi to, khi chuyển sang chậu xi cần phải cho chấu xuống bên dưới để thoát nước tốt, nếu chậu nào bị ứ nước thì ba tháng phải thay một lần phân, không thì chỉ cần bón qua lá.

Phân được sử dụng trồng địa Lan chủ yếu là phân trâu vì phân trâu rất thích hợp cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển và ra hoa. Không sử dụng phân lân hoặc đạm để bón cho cây, vì khi bón các loại phân này lá địa Lan sẽ mền và rũ xuống, nó sẽ khiến cho cây không được đẹp”.

Anh Sùng A Sa nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa Lan.

Là một trong những người có kinh nghiệm trồng cây địa Lan lâu năm tại xã Tả Phìn, anh Sa cho biết, để có những chậu địa Lan đẹp, chất lượng xuất bán ra thị trường anh đã phải cần mẫn chăm sóc tỉ mỉ, từ bón phân đến cắt tỉa lá cho cây, hằng đêm nhất là vào thời điểm cây đang nở hoa thường có sâu đến hại cây anh phải đi soi từng chậu Lan bắt sâu để cây có điều kiện sinh trưởng khoẻ mạnh. Với việc lựa chọn đúng nơi lại thêm biên pháp cải tiến về kỹ thuật trồng và chăm sóc địa Lan càng mọc càng tốt và khỏe mạnh anh không chỉ làm giàu cho mình mà còn góp phần làm giàu cho quê hương, với giá trung bình từ 2-3 triệu đồng/1 chậu Lan, đặc biệt có những chậu có giá trị lên đến cả chục triệu đồng tùy thuộc vào số bông trên chậu, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón và công chăm sóc, gia đình anh vẫn có lãi từ 1-2 triệu đồng/1 chậu Lan.

Để hiểu rõ hơn về lợi ích kinh tế từ mô hình trồng địa Lan chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Chang A Xà, Phó Chủ tịch HĐND xã Tả Phìn, ông Xà cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 600 hộ trồng hoa địa Lan, với khoảng 35.000 chậu. Nhiều hộ gia đình đình thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm từ việc trồng địa Lan. Thu nhập bình quân toàn xã ước đạt gần chục tỷ đồng trên năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở trong tỉnh và các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh. Với hiệu quả kinh tế cao từ cây địa Lan, nhiều hộ gia đình đã tập trung vào mô hình trồng địa Lan để bán ra thị trường, đem lại nguồn thu lớn cho bà con nhân dân”.

Chiến Hữu – Hoàng Chất