Chúng tôi sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Sơn Trà

BVR&MT – Trong những ngày này, khi mà sự kiện quy hoạch bán đảo Sơn Trà đang trở thành tâm điểm của dư luận xã hội, tại Hà Nội, một cuộc toạ đàm với sự góp mặt của nhiều nhà quản lí ngành văn hóa, trong đó nêu lên hai vấn đề lớn là nên hay không xây dựng bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, đại diện lãnh đạo TP. Đà Nẵng chủ trì tọa đàm.

Giữa cuộc toạ đàm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng đã dành cho PV một cuộc trao đổi ngắn với những ý kiến tâm huyết, bản lĩnh thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu ngành Du lịch Thành phố. Ông Vinh cho rằng, nếu dự án vẫn được thông qua thì ông cũng như người dân Đà Nẵng sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Sơn Trà.

Lý do, nếu phát triển du lịch mà phá vỡ cảnh quan môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học, làm ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh thì cần phải xem xét lại. Bảo tồn và phát triển du lịch phải hài hoà lợi ích…

Ông Huỳnh Tấn Vinh trả lời báo giới xoay quanh việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng thành khu du lịch quốc gia.

PV:  – Xin ông có thể cho biết vài nét khái quát nhất về giá trị của Sơn Trà?

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta đang phải xử lý một vấn đề khó, đó là bảo tồn và phát triển, thực tế không dễ gì tìm được một phương án phù hợp nhất.

Riêng ở Sơn Trà tôi thấy có ba nét nổi bật: Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng; Sơn Trà là “mắt thần” của an ninh – quốc phòng và Sơn Trà cũng là nơi gần như cuối cùng còn giữ được nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh và đa dạng sinh học của Đà Nẵng. Chính sự khác biệt đó đã tạo nên một hình ảnh Sơn Trà hấp dẫn, độc đáo mà không phải nơi nào trên đất nước Việt Nam và trên thế giới có được.

Ngoài ra, ở Sơn Trà còn có Voọc chà vá chân nâu, nó được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” của thế giới. Sách đỏ khẳng định đây là loài động vật quý hiếm cần bảo vệ khẩn cấp. Khi chúng ta phá những cánh rừng nguyên sinh kia đi thì chẳng khác nào phá bỏ tổ ấm và ngôi nhà bình yên của chúng. Chúng sẽ đi về đâu khi không có “bà mẹ thiên nhiên” nâng đỡ, chở che và nuôi dưỡng. Chúng sẽ tồn tại và nương tựa vào đâu khi không còn núi rừng xanh thẳm. Tôi chỉ nói thế này, một ngôi nhà mà bạn cất công cả đời mới xây được, một ngày nọ có “kẻ” đến xâm hại, đe doạ, muốn phá bỏ, làm ảnh hưởng đến bạn, người thân của bạn, cuộc sống của bạn, khi đó bạn sẽ làm gì?

Loài Voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ khẩn cấp.

PV: – Như ông đã nói, nếu dự án này được thông qua, ông cũng như người dân Đà Nẵng sẽ “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ Sơn Trà? Ông sẽ “chiến đấu” như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi công luận và dư luận rộng rãi để ủng hộ chúng tôi. Không phải chúng tôi muốn “đóng cửa” Sơn Trà không khai thác du lịch nữa mà vấn đề đặt ra là khai thác như thế nào để vừa không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường vừa bảo tồn được sự đa dạng sinh học. Chúng tôi sẽ ủng hộ, còn như phương án cũ thì dứt khoát là không…

Bạn nên hiểu rằng, du khách khi đi du lịch đến với Sơn Trà không phải vì ở đây có nhà cao, cửa rộng, cầu dài mà họ đến vì họ được gần gũi với xứ sở thiên nhiên hoang dã. Họ đến vì họ yêu mến nét tinh khôi, nguyên sơ, trở về với thiên nhiên như trở về ngôi nhà của mình. Tôi cho rằng, nên và chỉ nên khai thác theo hướng đó, lượng khách du lịch đến miền Trung và đến Sơn Trà sẽ tăng nhanh mà thu nhập cũng không rơi vào “túi” của ai đó, đời sống người dân sẽ được cải thiện, nền kinh tế Đà Nẵng cũng từ đó đi lên. Du lịch từ đây sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.

PV: – Hiện trạng khách sạn lưu trú trên bán đảo Sơn Trà hiện tại như thế nào, thưa ông?

Theo tôi được biết thì chỉ có duy nhất một khách sạn vào loại tốt nhất thế giới đang hoạt động. Nhưng chúng tôi lại không lấy làm vui và hãnh diện vì điều đó. Bởi vì một khách sạn mà lấy hẳn một khu rừng để làm vườn, lấy hẳn một khu rừng làm thành công viên, vui chơi, giải trí thì không đẹp, không lộng lẫy, không hoành tráng…mới lạ! Đấy là chưa kể, nó còn lấy thêm một bãi biển rộng, tầm nhìn bao quát. Người dân chúng tôi thấy não lòng não ruột vì “người ta” đã “biến” Sơn Trà thành riêng của mình, lấy những gì Sơn Trà có được để phục vụ lợi ích của một khách sạn… Và nữa, bây giờ ở Sơn Trà hình như cũng đang lác đác, nhen nhóm, manh nha một số nhà bê – tông rục rịch xây dựng… Tôi có phần rất lo.

PV: – Nếu được đề xuất để quy hoạch dự án bán đảo Sơn Trà, theo ông nên quy hoạch theo hướng nào cho phù hợp?

Không phải là nếu mà chúng tôi đã đề xuất rồi. Hi vọng Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến không chỉ riêng cá nhân tôi mà hơn một vạn mốt người dân cũng cùng chung nguyện vọng thiết tha là hãy gìn giữ bán đảo Sơn Trà như nó vốn sinh ra, hãy bảo tồn vẻ tự nhiên, đa dạng sinh học độc đáo để khai thác, phát triển, thu hút du lịch…Chúng tôi “đấu tranh” như vậy cũng là vì chiến lược an ninh – quốc phòng, muốn giữ lại một “kho vàng xanh” vô giá cho thế hệ mai sau chứ chúng tôi chẳng có ý gì khác.

Để phát triển du lịch một cách bền vững, dù đó là ở Sơn Trà, không đơn thuần là giữ nguyên hiện trạng mà phải làm sao người dân sống được với di sản, di sản không những bị xâm hại mà người dân còn bảo vệ vì đó là tài sản, là cuộc sống của chính họ.

Nhưng tôi cho rằng, đối với bán đảo Sơn Trà, có một cái chung quyết định sự thành công, đó là phải xác định được chủ thể di sản chính là người dân đang sống trong di sản. Mỗi lần đến Sơn Trà, tôi càng thấy rõ hơn, từ mỗi người dân sở tại cho đến cấp quản lý, tất cả đều chung một niềm tự hào về Sơn Trà, họ cảm thấy di sản ấy như một phần máu thịt đối với họ. Cả một bán đảo đó như một gia đình lớn mà mỗi người dân có trách nhiệm bảo vệ. Phải phát huy tính tự chủ của mỗi người dân, lòng tự hào về di sản và lòng yêu quê hương, sức hút của Sơn Trà ngày càng lớn. Sơn Trà là điểm sáng về tiềm năng du lịch cần được quy hoạch, bảo tồn và phát triển phù hợp. Để giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển không gì khác là hài hoà lợi ích.

PV: – Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trả lời phỏng vấn thú vị này!

Phúc Tiến