BVR&MT – Dẫn chứng lại việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre), PGS-TS Vũ Văn Phúc cho rằng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ của chúng ta đã để lọt cán bộ khi đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Một trong những vấn đề hệ trọng được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đang diễn ra là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài để đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Thực tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Công tác quy hoạch cán bộ Trung ương là bước khởi đầu chuẩn bị cho Đại hội XIV về công tác cán bộ.
Để công tác quy hoạch cán bộ hiệu quả, quan trọng nhất là phải chọn đúng người. Chúng ta đã có một quy trình để lựa chọn, quy hoạch cán bộ khá chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhiều bước. Tuy nhiên, ở nhiều nhiệm kỳ vừa qua, nhiều cán bộ không đủ đức, đủ tài vẫn lọt vào Ban Chấp hành Trung ương. Gần đây nhất, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre) hay cho thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII đối với ông Điểu K’ré – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đắk Nông đã cho thấy quy trình chặt chẽ nhưng vẫn còn lỗ hổng.
PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng thừa nhận thực tiễn vừa qua đã chứng minh là quy trình rất đúng nhưng chọn cán bộ sai và dẫn đến hậu quả là nhiều cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không ngang tầm nhiệm vụ; thậm chí nhiều cán bộ đã sa vào vòng lao lý.
Còn theo PGS-TS Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, thực ra mọi cái không chỉ ở quy trình, quy trình là yếu tố kỹ thuật, nhưng vận hành quy trình đó lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví như năng lực của người vận hành quy trình đó, phải có năng lực, có đủ phẩm chất khi vận hành quy trình đó mới phát huy hiệu quả. Quy trình đó có thể rất đúng nhưng thực hiện máy móc; hoặc quy trình đó về kỹ thuật là đúng nhưng lại được triển khai trong những bối cảnh khác nhau cũng không mang lại kết quả mong muốn. Quy trình đúng và chỉ phát huy hiệu quả khi dựa trên những điều kiện cụ thể, trong đó không thể thiếu yếu tố rõ ràng, minh bạch của công tác tổ chức cán bộ.
Để giải quyết câu chuyện này, PGS-TS Vũ Văn Phúc cho rằng, ngoài quy trình chặt chẽ, phải huy động được trí tuệ của toàn dân, của đội ngũ hơn 5,3 triệu đảng viên tham gia vào công tác cán bộ.
“Ví như danh sách dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương theo tôi trước hết phải xin ý kiến của 5,3 triệu đảng viên để đảng viên với tai mắt của mình phát hiện đồng chí nào có vấn đề, để cán bộ được đưa vào quy hoạch chiến lược phải đúng là cán bộ đủ phẩm chất, đủ đạo đức và đủ năng lực để tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng”, ông Phúc đề nghị.
Thứ nữa, theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, phải tiến hành xác minh, thẩm định và làm rõ vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ được lựa chọn. Vấn đề chính trị trong quá khứ có thể tương đối yên tâm nhưng vấn đề chính trị hiện nay là rất quan trọng. Để giải bài toán này, Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương phải sàng lọc từng người nằm trong danh sách vào quy hoạch Ban Chấp hành trung ương.
Dẫn chứng lại việc việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ (Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre), ông Phúc cho rằng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ của chúng ta đã để lọt cán bộ khi đưa vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
“Đây cũng là lý do vì sao chúng ta phải làm tốt công tác bảo vệ chính trị, nhất là vấn đề chính trị hiện nay”, ông Phúc quả quyết.
Và một trong những yếu tố quan trọng để làm tốt công tác bảo vệ chính trị theo PGS-TS Vũ Văn Phúc là phải xác minh kê khai tài sản của cán bộ. Theo Quy định 114 của Bộ Chính trị, không những kê khai tài sản của bản thân người đưa vào quy hoạch mà phải xác minh kê khai tài sản của những người thân của người đó để làm sao minh bạch hóa, công khai hóa mọi tiêu chuẩn, mọi quy định của Đảng về công tác cán bộ. Và mục đích cuối cùng là phải chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, đủ năng lực ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ ở cấp chiến lược, tức là cán bộ tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Cán bộ đủ phẩm chất, đủ năng lực theo quan điểm của PGS-TS Vũ Văn Phúc là phải có cả Đức và Tài, đặc biệt Đức phải là gốc.
“Qua những vụ việc tham nhũng, tiêu cực vừa qua, càng khẳng định vấn đề Đức là gốc của cán bộ. Nếu không chọn được cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng thì chúng ta sẽ không có một Ban Chấp hành Trung ương có chất lượng. Cái đức ở đây được thể hiện trên rất nhiều mặt, phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và phải hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là điều quan trọng nhất. Nếu chọn cán bộ không vì nước, không vì Đảng, không vì dân thì đó là lựa chọn sai lầm. Nhưng có đức rồi còn phải quan tâm đến tài, tức là phải có trình độ, năng lực. Trong bối cảnh mới hiện nay, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, tư duy chiến lược, có thể lãnh đạo, chỉ đạo ở tầm vĩ mô. Có vậy mới thực hiện được mục tiêu Đại hội XIII đặt ra là đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.