Chính sách khí hậu của Trung Quốc, Nga và Canada sẽ khiến trái đất tăng 5,1 độ C

BVR&MT – Chính sách khí hậu hiện tại của Trung Quốc, Nga và Canada sẽ khiến nhiệt độ trái đất tăng vượt mức 5 độ C vào cuối thế kỷ này, cụ thể là 5,1 độ C. Riêng Mỹ và Úc thì chậm hơn nhưng cũng đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng 4 độ C so với mức tiền công nghiệp. Liên minh châu Âu (EU) tuy được xem là “nhà lãnh đạo khí hậu” nhưng cũng để mức vượt hơn gấp đôi mức 1,5 độ C.

Trên đây là kết quả của nghiên cứu xếp hạng mục tiêu khí hậu của các quốc gia, vừa được đăng trên Tạp chí Nature Communications. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mối quan hệ giữa tham vọng của mỗi quốc gia về cắt giảm khí thải và sự gia tăng nhiệt độ trong tương lai nếu các quốc gia khác trên thế giới cũng noi “gương” họ.

Mục đích của nghiên cứu là chỉ ra cho các nhà đàm phán khí hậu thấy rằng sau hai năm thực hiện Hiệp định khí hậu Paris, các quốc gia ngày càng đi xa hơn so với mục tiêu giảm cắt từ 1,5 – 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Những người bán hàng rong gần một nhà máy điện đốt than ở Trung Quốc (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images).

Một trang web liên quan cũng được nhóm nghiên cứu xây dựng nhằm giúp các quốc gia nhìn nhận rõ hơn thực trạng khí hậu và hiểm họa môi trường mà loài người đang phải đối mặt.

Cũng theo nghiên cứu, trong các nền kinh tế lớn, Ấn Độ đang dẫn đầu trong việc thực hiện mục tiêu với mức tăng chỉ nhỉnh hơn 2 độ C. Các nước kém phát triển nói chung tham vọng hơn, một phần vì họ có ít nhà máy sản xuất, nhà máy điện và xe hơi hơn, đồng nghĩa với việc họ có lượng khí thải thấp hơn cần phải hạn chế.

Đối lập với các quốc gia này là chuỗi các cường quốc công nghiệp như Trung Quốc và các nhà xuất khẩu năng lượng lớn hầu như không có hành động gì để hạn chế lượng phát thải CO2, gồm Ả rập Xê út (dầu), Nga (khí) và Canada – các quốc gia đang khai thác một lượng lớn dầu từ cát bùn. Hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia này đang diễn ra rất mạnh mẽ trong khi cam kết khí hậu của chính phủ lại rất yếu, có thể khiến trái tăng hơn 5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Được đánh giá tốt hơn một chút là nhóm các quốc gia đang khiến hành tinh có thể tăng lên mức 4 độ C, trong đó có Hoa Kỳ – quốc gia có lượng khí thải khổng lồ từ năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp – và Úc, quốc gia còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu than.

Các cường quốc tiêu dùng giàu có ở châu Âu được đánh giá tốt hơn – phần lớn là do lượng phát thải trên các sản phẩm được tính toán tại nguồn sản xuất hơn là nơi tiêu thụ – nhưng theo các tác giả, hành động của các quốc gia châu Âu cũng chậm hơn rất nhiều so với lời hứa của họ. Vốn được coi là đầu tàu trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu nhưng châu Âu cũng sẽ khiến trái đất tăng lên gấp đôi con số được đánh giá là an toàn – 1,5 độ C.

Nghiên cứu này có thể gây nhiều tranh cãi. Theo Thỏa thuận Paris, không có sự phân bổ trách nhiệm công bằng từ trên xuống dưới. Thay vào đó, mỗi quốc gia tự đặt ra các mục tiêu căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả ý chí chính trị, mức độ công nghiệp hóa, khả năng chi trả, quy mô dân số, trách nhiệm lịch sử về phát thải. Tác giả nghiên cứu cho hay hầu như chính phủ của tất cả các quốc gia đều lựa chọn một mức cam kết cân bằng, vừa phục vụ cho lợi ích riêng của quốc gia, vừa đạt được một lợi ích tương đối với các quốc gia khác.

Để có được khái niệm về sự công bằng dựa trên các cam kết khác nhau này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá từng quốc gia theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất do nhóm đặt ra, sau đó ngoại suy cho tất cả các quốc gia.

Các nhà nghiên cứu cho rằng các quốc gia cần cam kết với mục tiêu ảo là 1.4 độ C thì mới có thể đạt được mục tiêu thực là 2 độ C. Nhóm hy vọng số liệu nghiên cứu này có thể được sử dụng trong các cuộc đàm phán khí hậu của Liên hợp quốc sắp diễn ra tại Katowice và trong các vụ kiện tụng liên quan đến khí hậu.

Trong tương lai, các tác giả cho biết họ có thể mở rộng nghiên cứu ở cấp độ địa phương cho từng quốc gia riêng lẻ, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Nhóm cũng lưu ý một số lĩnh vực then chốt ảnh hưởng tới cam kết khí hậu của các quốc gia hiện đang bị bỏ qua như: thay đổi mục đích sử dụng đất (cơ bản ở các quốc gia đang bị mất rừng nhanh như Brazil, Argentina và Indonesia), vận tải và hàng không quốc tế.

Brazil đang đánh mất những cánh rừng tự nhiên lớn do hoạt động khai thác gỗ và sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Carl de Souza/AFP/Getty Images).

Mặc dù nhấn mạnh khoảng cách lớn giữa ý chí chính trị và cảnh báo khoa học, song Tiến sĩ Robiou du Pont, tác giả nghiên cứu mong muốn nghiên cứu sẽ truyền cảm hứng hơn là chỉ trích các quốc gia.

Bình luận về nghiên cứu này, ông Joeri Rogelj, Trường Imperial College London cho biết: “Nghiên cứu này cung cấp một phương thức để các nước có thể tự đánh giá sự đóng góp của họ sẽ được các quốc gia khác nhìn nhận như thế nào”.

Bích Ngọc (Theo Theguardian.com)

CHIA SẺ