Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Đi lên nhờ phát triển kinh tế rừng bền vững

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa được UBND tỉnh Tuyên Quang giao gần 7.000 ha đất lâm nghiệp, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện các phương thức sản xuất hợp lý, công ty đã đạt được hiệu quả không nhỏ trong việc trồng, bảo vệ rừng, tạo công việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo cho hàng ngàn lao động của địa phương.

Một góc rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa.

Được bắt nguồn từ Lâm trường Chiêm Hóa, năm 2008 chuyển thành Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa và tiếp tục chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa vào tháng 5/2012, với trách nhiệm là một doanh nghiệp của tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, nơi cung cấp việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn, Ban lãnh đạo Công ty đã đề ra một số giải pháp chiến lược cụ thể như: Đầu tư xây dựng vườn giống cây lâm nghiệp đảm bảo về chất lượng, số lượng; giống cây được tìm hiểu kĩ trước khi đưa vào trồng như cây Keo có thể đem lại lợi nhuận lớn nhưng thời gian trồng lại ít hơn so với các loại khác…

“Vườn ươm tương lai” cho rừng Chiêm Hóa.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết: “Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm kỹ thuật để nâng cao chất lượng rừng trồng. Bố trí từng loại cây trên đất phù hợp để rút ngắn chu kỳ sản xuất. Không những thế trong phương thức sản xuất kinh doanh, chúng tôi luôn kết hợp điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp, đảm bảo sản xuất bền vững theo nguyên tắc của FSC. Đặc biệt trong năm 2016, công ty đã hoàn thành được 5.514 ha rừng đạt chứng chỉ FSC, tăng giá trị mỗi ha rừng trồng lên 20% so với thị trường, góp phần ổn định nền kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm cho các hộ dân trong tỉnh”.

Toàn cảnh lễ ký kết chứng chỉ FSC .

Ngoài ra, nhiều giải pháp về phát triển vùng nguyên liệu đã được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa đặc biệt quan tâm. 100% diện tích rừng trồng của Công ty sau khi trưởng thành đều được khai thác một cách khoa học và có kế hoạch liên doanh với các hộ gia đình trồng rừng tái sản xuất ngay đến đó. Với cách làm này không những hạn chế được tình trạng xói mòn đất, bảo vệ môi trường, môi sinh mà còn giúp Công ty phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

Công nhân công ty đang khai thác gỗ khi đến kỳ thu hoạch.

Bằng sự quyết tâm trong năm 2016 Công ty đã đạt một số kết quả khá ấn tượng. Diện tích trồng rừng mới trên 500 ha, khai thác gỗ đạt 25.000 m3 đạt doanh thu trên 8,500 tỷ đồng. Trong năm 2017, Công ty tiếp tục bố trí diện tích để trồng rừng liên doanh với Cán bộ công nhân viên trong công ty và các hộ nhân dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, chăm sóc bảo vệ rừng để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng bảo vệ rừng và hạ giá thành đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của công ty trên thị trường. Đúng như theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Phải đi lên từ rừng và đất rừng để phát triển Tuyên Quang. Kinh tế lâm nghiệp là lối ra cho Tuyên Quang”.

Đông Nghi