Chia sẻ lợi ích từ rừng – thách thức và giải pháp

BVR&MT – Ngày 30/10, tại trường Đại học Lâm nghiệp, Hội chủ rừng Việt Nam phối hợp Trường Đại học Lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa tổ chức Hội thảo “Chia sẻ lợi ích từ rừng với cộng đồng dân cư địa phương – thách thức và giải pháp”.

Quang cảnh Hội thảo

Theo đại diện Dự án quản trị đất đai sông Mê Công, chia sẻ lợi ích là sử dụng bền vững tài nguyên hiệu quả nhất nhằm tạo ngân sách bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên hiện chưa có sự đồng lòng về cách tiếp cận trong chia sẻ lợi ích. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy chia sẻ lợi ích phải có sự tham gia của người dân và cộng đồng, Nhà nước chia sẻ quyền hạn, lợi ích; chia sẻ là quá trình hai bên cùng hợp tác, phát triển, sự minh bạch có sự tham gia của người dân.

TS. Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQG Bạch Mã thì cho hay ngoài những kết quả mà việc chia sẻ lợi ích từ rừng mang lại như hỗ trợ các cuộc họp thôn, hỗ trợ giám sát, mua sắm thiết bị, thu nhập trực tiếp từ các mô hình…, việc chia sẻ lợi ích tại VQG Bạch Mã vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký đất đai, khai thác lâm sản ngoài gỗ, tính tự quản của cộng đồng chưa cao, năng lực kiểm soát đầu ra hạn chế, tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao…

Chia sẻ từ mô hình thực tế tại Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô (Kon Tum), ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty cho hay đơn vị có tham gia vào Dự án quản lý và bảo vệ rừng bền vững từ năm 2012 và hiện đã giao khoán hơn 8.000 ha rừng cho cộng đồng, đồng thời tiến hành trồng hơn 1.300 ha rừng theo hình thức liên kết và tuyển dụng khoảng 20/38 công nhân địa phương, đồng bào dân tộc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nạn phá rừng và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy vẫn gia tăng trong khi nguồn vốn cho đầu tư rừng hạn chế. Theo ông Chung, để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chỉ có một giải pháp duy nhất là dựa vào sức mạnh của toàn dân thông qua đồng quản lý rừng.

Theo thống kê, trong số 5,5 triệu hộ dân sinh sống cạnh rừng và dựa vào rừng hiện nay, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo nên tình trạng xâm hại rừng, lấn rừng rất phổ biến.

Ngoài việc thảo luận về những khó khăn trong công tác giữ rừng và chia sẻ lợi ích, các đại biểu cũng trao đổi về kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam cùng các vấn đề liên quan đến mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo tồn vọoc ở Quảng Bình và giải pháp, kiến nghị về cơ chế chia sẻ lợi ích.

Hoàng Chiên