BVR&MT – Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo tăng tốc thi công để thông xe, nối thông cao tốc Bắc-Nam từ Khánh Hòa đến TP.HCM sớm nhất có thể.
Chậm do vướng đường điện 22Kv và nền đất yếu
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban QLDA 85 (Bộ GTVT), đại diện chủ đầu tư dự án, tới nay sản lượng dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo thực hiện được khoảng hơn 5.700 tỷ đồng trên tổng số gần 7.600 tỷ đồng (đạt 75,17% giá trị hợp đồng).
Trong đó đoạn tuyến từ Km 92+260 – Km134 do Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện khối lượng đạt khoảng hơn 77,45%. Đoạn Km54 – Km92+260 do Công ty 194 thực hiện khối lượng đạt khoảng 71,74%.
“Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối tháng 4/2024 sẽ hoàn thành toàn tuyến. Riêng đối với công trình hầm Núi Vung, phân kỳ đầu tư giai đoạn một sẽ hoàn thiện 1 ống hầm, phục vụ khai thác với 2 làn xe 2 chiều, vận tốc 80km/h. Từ giờ tới lúc đó chỉ còn hơn 7 tháng nữa, khối lượng công việc còn lại là rất lớn”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện Ban QLDA 85 cho biết, đến nay các vị trí đường găng của phân đoạn thuộc Tổng công ty xây dựng 194 tại các đồi thuộc km56-km57, km57-km58, km61-km62, khối lượng đào đá còn khoảng 650.000m3.
“Hiện tại máy móc, thiết bị nhà thầu huy động để thi công hạng mục đào đá nền đường số lượng đã nhiều (16 cái) nhưng công suất chưa đạt, Ban QLDA 85 yêu cầu phải tăng cường nhân sự đẩy nhanh tiến độ thi công”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả-đại diện tổng thầu cho biết, trong quá trình đào hầm Núi Vung từ phía Ninh Thuận ra Khánh Hòa đã gặp địa chất yếu, (đới địa chất này phần lớn là đá phong hóa mạnh, có thể bẻ vụn bằng tay, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra nguy cơ đất đá đổ sập), khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật ban đầu của Bộ GTVT phê duyệt. Điều này mất rất nhiều thời gian, phương án xử lý, tăng cường kết cấu chống đỡ…
“Để khắc phục, Tập đoàn Đèo Cả đã mời chuyên gia của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Ban QLDA 85, tư vấn thiết kế kỹ thuật cùng thống nhất biện pháp xử lý như: tăng cường kết cấu chống đỡ, thi công vòm ngược và điều chỉnh biện pháp thi công khi tổ chức thi công 3 ca/ngày để bù đắp tiến độ. Chúng tôi đã khoan thông ông hầm thứ nhất và đang tăng tốc thi công nhiều mũi khác, trên công trường hoạt động liên tục để đáp ứng tiến độ nhanh nhất, chất lượng nhất”, ông Đông cho hay.
Về một số khó khăn, vướng mắc hiện nay, ông Đông cũng kiến nghị sớm chấp thuận chủ trương bổ sung hạng mục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao Thuận Nam kết nối với đường ĐT709 vào dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
“Tuy nhiên, đến nay hồ sơ điều chỉnh dự án chưa được thẩm định, phê duyệt, ảnh hưởng việc thi công hoàn thiện tuyến đường cao tốc dưới cầu vượt và các hạng mục phát sinh khác. Nếu có mặt bằng và được phê duyệt nút giao, đơn vị sẽ tăng cường nhân lực, máy móc để thi công, đảm bảo bàn giao đúng tiến độ”, ông Đông cho biết.
Theo ông Đông, sau khi thông hầm Núi Vung, từ nay đến cuối tháng 12/2023, cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo sẽ thông tuyến khoảng 21km (từ km92 – nút giao Phan Rang đến km113 – nút giao với TL 709) để phục vụ cho người dân lưu thông thuận tiện.
Còn theo đại diện Công ty CP Tổng công ty xây dựng 194, hiện tại trên tuyến còn một số vị trí chưa GPMB làm ảnh hưởng đến công tác thi công của dự án như: Cầu vượt đường sắt và QL1A (tại nút giao Du Long).
Ngoài ra, trên tuyến còn vướng đường dây điện 22Kv tại km 84+050, vướng mặt bằng mố M1 cầu vượt TL 705 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công hoàn thành dự án.
Nối thông tuyến cao tốc từ Khánh Hòa đến TPHCM sớm nhất
Mới đây, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dẫn đầu đi kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam. Tại đây, sau khi kiểm tra thực tế, nghe nhà thầu báo cáo tiến độ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, khối lượng thi công có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhiều hạng mục vẫn còn chậm.
Nhấn mạnh dự án cao tốc Bắc-Nam nói chung, cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo nói riêng đang được lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT rất quan tâm. Cho nên cần sớm hoàn thành tuyến này để khớp nối với cao tốc Nha Trang-Cam Lâm và nối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết-Dầu Giây-TP.HCM.
Thời gian thi công không còn nhiều, tiến độ dự án đang vào giai đoạn nước rút, do vậy thời gian tới nhà đầu tư, nhà thầu cùng các cơ quan liên quan phải vào cuộc quyết liệt nhất, dồn sức sớm đưa dự án vào khai thác.
“Nhà đầu tư, nhà thầu phải huy động tối đa nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung giải quyết nhanh các đường “găng” nổ mìn, phá đá để sớm thông tuyến.
Đồng thời tăng ca kíp thi công, bổ sung thêm dây chuyền thảm nhựa, triển khai các hạng mục an toàn giao thông…”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu.
Đối với các vướng mắc về mặt bằng, đường điện 22Kv qua Ninh Thuận, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85, nhà đầu tư tiếp tục làm việc với địa phương để sớm bàn giao mặt bằng nhà thầu thi công.
Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu, các hạng mục công trình trên tuyến chính phải bám sát tiến độ thông xe cuối tháng 12/2023, hoàn thành công trình cầu đường trước ngày 30/3/2024. Hạng mục hầm Núi Vung hoàn thành trước ngày 30/4/2024 theo cam kết của nhà thầu.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công -tư (PPP). Dự án có chiều dài 78,5 km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5 km), Ninh Thuận (63 km), Bình Thuận (gần 12 km), do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả-Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đến nay, đoạn tuyến từ km 92+260 – km 134 do Đèo Cả đã thực hiện, khối lượng đạt gần 80%. Dự kiến đến 30/4/2024 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. |