Chàng trai “chỉnh chiêng” ở đại ngàn

BVR&MT – Từ nhiều năm nay, những chiếc cồng, chiếc chiêng bị lạc nhịp, mất tiếng ở các buôn làng xã Ia Yok (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được chỉnh lại âm thanh không phải từ các già làng, người lớn tuổi mà được “nắn giọng” lại từ chính đôi bàn tay khéo léo của chàng trai trẻ Rơ Châm Van.

Thế hệ trẻ tiếp nối

Bên trong căn nhà sàn nhuốm màu cũ kĩ của già Rơ Châm Jol (làng Bồ 1, xã Ia Yok), âm thanh của những chiếc cồng, chiếc chiêng vang lên ngắt nhịp giữa chừng xen lẫn với tiếng búa gõ gõ rồi lặp lại liên tục của Rơ Châm Van khiến làng Bồ 1 rộn ràng hơn hẳn ngày thường. Già Jol nâng ống rượu cần ra hiệu mời chúng tôi nhấp một cang rượu uống mừng cuộc gặp gỡ, rồi vui vẻ nói: “Mấy cái chiêng của già bị lạc nhịp may có Van đến chỉnh lại. Van có đôi tai rất thính và đôi tay cầm búa khéo léo có thể cảm nhận được những chiếc chiêng hỏng để tìm lại âm thanh chuẩn. Người trong làng biết đánh chiêng nhiều lắm nhưng chỉ có một mình Van là biết chỉnh chiêng thôi”.

Rơ Châm Van đang chỉnh chiêng.

Theo lời Van, năm 8 tuổi Van đã rong ruổi theo cha là ông Rơ Châm Nguốp đi chỉnh chiêng khắp nơi. Cha là người thầy đầu tiên dạy cho Van chỉnh chiêng, dần dần nhìn cha làm mà Van biết chỉnh chiêng từ lúc nào không hay. Trong gia đình Van ai cũng biết đánh chiêng thuần thục nhưng duy chỉ có Van là được cha truyền dạy nghề “nắn giọng” cho chiêng, bởi ông Nguốp tin Van là người có khiếu “gọi hồn” cho chiêng mà không phải ai cũng được Giàng ưu ái ban cho khả năng này. Ngày mà cha Van lâm bệnh rồi qua đời, cả làng Bồ 1 đều buồn bã bởi dân làng mất đi một người chỉnh chiêng tài giỏi .“Trước khi trút hơi thở cuối cùng, tâm nguyện của cha mong tôi giữ lấy nghề chỉnh chiêng để khi chiêng hỏng, lạc nhịp hoặc đánh quá nhiều tiếng bị phô chênh còn có người “lên lại dây chiêng”. Bà con còn có chiêng mà đánh để nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai không bị lãng quên” – anh Rơ Châm Van cho hay.

Trước khi chỉnh chiêng, Van dùng chiếc dùi đánh lần lượt từng chiếc chiêng, tập trung dùng đôi tai để cảm âm phát hiện ra chiếc chiêng nào lạc nhịp rồi mới chỉnh.Vật dụng “ nắn giọng” cho chiêng của Van rất đơn giản là chiếc búa sắt nhỏ mà theo Van phải là sắt non vì khi chỉnh sẽ không để lại các vết xướt làm nhòa đi hoa văn trên chiêng. Đôi tay khéo léo của Van chuyển động liên hồi hết dùng búa gõ mặt ngoài chiêng rồi lật sang bên trong, có lúc xung quanh rìa chiêng, lực gõ được thay đổi liên tục khó đoán“.

Mỗi chiếc chiêng khi bị hỏng, lạc nhịp đều được chỉnh theo một cách riêng tùy theo đôi tai thẩm thấu cũng như lực từ bàn tay của người chỉnh sao cho đạt được âm thanh chuẩn. Trong dàn cồng chiêng, chiêng đầu đàn được xem là linh hồn, khi chiêng có vấn đề, âm thanh của cả bộ sẽ không đồng điệu. Người chỉnh chiêng phải chỉnh sao cho âm thanh của chiêng đầu đàn vang to phát ra ở tâm chiêng thì mới tạo sự thăng hoa đồng điệu của cả bộ cồng chiêng, lúc đó Giàng mới nghe được”, anh Van chia sẻ.

Giữ mãi “hồn chiêng”

Ông Rơ Châm CLê, Bí thư Chi bộ làng Bồ 1 cho hay: Trong làng hiện còn 8 bộ cồng chiêng. Chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động dân làng không được bán chiêng. Điều đáng mừng là đội cồng chiêng của làng gồm 35 người được duy trì tập luyện ở nhà mồ đều đặn mỗi tuần. Những chiếc chiêng bị “chết tiếng”, hư hỏng đều được Van chỉnh lại âm thanh chuẩn để trình diễn ở những lễ hội trong làng hay dự thi tại các Liên hoan trong và ngoài huyện và đều đạt được giải cao.

Đội cồng chiêng của làng làng Bồ 1 gồm 35 người được duy trì tập luyện ở nhà mồ đều đặn mỗi tuần.

Qua trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Hồ Việt Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Yok(huyện Ia Grai) cho biết, Rơ Châm Van là một thanh niên trẻ có tài, có thể cảm thụ được nhạc điệu cồng chiêng và đã có tiếng chỉnh chiêng rất tốt trong và ngoài xã. “Việc chỉnh chiêng rất khó không phải ai cũng có thể học được. Tuy nhiên xã cũng mong muốn thời gian đến các ban ngành chuyên môn nên mở các lớp bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, các kiến thức cơ bản của chỉnh chiêng từ những nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi để lớp trẻ như Van được tiếp cận, học hỏi và cùng lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”- ông Bắc nói.

Trong nhịp sống hối hả, nhiều thanh niên dần lãng quên đi bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhưng vẫn còn đó một Rơ Châm Van- chàng trai Jrai ngày đêm miệt mài gìn giữ và dành tình yêu trọn vẹn với nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Minh Ngọc – Đình Thọ