BVR&MT – Thời gian qua, đầm Đông Hồ – một trong những đầm nước tự nhiên lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị “xẻ thịt”, “xí phần” hình thành nhiều vuông tôm, làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng. Trước thực trạng đó, từ ngày 2/7 đến 31/7, chính quyền thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đã tiến hành kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai tại đây.
Đầm Đông Hồ thuộc hai phường Đông Hồ và Tô Châu, có diện tích hơn 1.384 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 900 ha. Đây là đầm nước mặn, lòng chảo nằm ở phía đông của thành phố Hà Tiên, nơi cửa sông Giang Thành đổ ra biển.
Ông Ng.V.H., 63 tuổi, ngụ ở khu phố 5, phường Đông Hồ, người có rất nhiều năm sinh sống tại đây cho biết, ngày xưa đầm nước Đông Hồ rất đẹp. Người dân sinh sống dựa vào đánh bắt cá tự nhiên trong đầm, nhưng gần đây một số người đã lấn chiếm đất trồng dừa nước. Ban đầu, họ trồng cây rồi chuyển sang đắp đập làm vuông nuôi hải sản, từ đó đất nhà nước thành đất của họ. “Trước đây chỉ có vài chục hộ sinh sống trong đầm thì hiện nay đã lên mấy trăm hộ. Một số người đến chiếm đất nói là bao vuông để nuôi hải sản, nhưng thực tế là họ “xí phần” chờ dự án để được bồi thường. Tôi đã phản ánh với ngành chức năng của thành phố Hà Tiên rất nhiều lần”, ông H. nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, những cánh dừa nước bạt ngàn, khung cảnh “non nước hữu tình” của đầm Đông Hồ trước đây, nay đã bị một số người tự ý bao chiếm, đắp đập thành các ô vuông, hình chữ nhật. Trước đây nhiều vỏ, xuồng máy chở du khách luồn lách qua các đoạn dừa nước, hòa vào thiên nhiên tạo cảm giác thích thú, giờ thì ít nhiều gặp trở ngại do bị các ao vuông che chắn lối đi.
Trao đổi với Báo Nhân Dân trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên Mai Quốc Thắng thừa nhận: Nhiều diện tích đất ở đầm Đông Hồ bị một nhóm người lấn chiếm. Tình trạng này xảy ra cao điểm từ năm 2018 đến nay nhưng chính quyền chưa xử lý, cưỡng chế được ai, mà chỉ lập biên bản hiện trạng. Khi cán bộ phường đến kiểm tra, đo đạc thì bị họ ngăn cản, chống đối. Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên, có hai người bao chiếm đất nhiều là ông N.V.U. có khoảng 126 ha và ông L.V.H.L. chiếm 26 ha.
Nói về tình trạng lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, trong đó có đầm Đông Hồ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phùng Quốc Bình khẳng định, nếu chính quyền cơ sở làm đúng luật thì đất đai sẽ ổn, không còn lấn chiếm đất công như hiện nay. Sở có nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc lấn chiếm trái phép đất công lẫn đất của người dân tại các địa phương, trong đó có đầm Đông Hồ.
Nếu chính quyền cơ sở làm đúng luật thì đất đai sẽ ổn, không còn lấn chiếm đất công như hiện nay. Sở có nhận nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc lấn chiếm trái phép đất công lẫn đất của người dân tại các địa phương, trong đó có đầm Đông Hồ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phùng Quốc Bình |
Mặc dù các vụ việc được Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đơn về địa phương xử lý, nhưng nhiều vụ chưa được giải quyết dứt điểm. Về việc đầm Đông Hồ bị lấn chiếm, ông Phùng Quốc Bình cho biết, hiện đang phối hợp thành phố Hà Tiên xây dựng kế hoạch đo đạc hiện trạng để có phương án đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với diện tích các thửa đất bị chiếm mới (khoảng 13 thửa, diện tích hơn 141 ha).
Mấy năm trước, tại Hội thảo “Định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển đầm Đông Hồ”, các nhà khoa học cũng thừa nhận đầm Đông Hồ đang xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có việc lấn chiếm diện tích mặt hồ của cư dân để phát triển nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, việc khai thác đánh bắt không theo quy định làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, cảnh quan môi trường thiên nhiên là những nguyên nhân dẫn đến suy thoái tính đa dạng sinh học của đầm.
Theo các chuyên gia và nhiều người dân sống lâu năm tại thành phố Hà Tiên, đầm Đông Hồ có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu bỏ ra khoảng vài chục triệu USD xây dựng một con đập dài khoảng 100m cùng với hệ thống cống điều tiết ngăn mặn, nơi đây sẽ biến thành vùng nuôi thủy sản lớn nhất Việt Nam, với mục tiêu hướng đến là chứa nước ngọt, giải quyết được cả vấn đề nước ngọt lẫn vấn đề nước biển dâng.
Để cứu lấy đầm Đông Hồ đang trong tình trạng bị lấn chiếm, suy thoái, xuống cấp, người dân kiến nghị ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, thành phố Hà Tiên cần có giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá hữu hiệu. Trước hết là xây dựng Hà Tiên thành thành phố xanh, đô thị ít carbon, đồng thời điều tra đa dạng sinh học, tìm ra các loài đặc hữu, quý hiếm để lập dự án đầu tư xác định ranh giới vùng lõi, vùng đệm để có kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên Mai Quốc Thắng khẳng định: Kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai tại khu vực đầm Đông Hồ lần này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm đất tại khu vực đầm Đông Hồ theo quy định của pháp luật; giải quyết các vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai tại khu vực đầm Đông Hồ lần này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm đất tại khu vực đầm Đông Hồ theo quy định của pháp luật; giải quyết các vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên Mai Quốc Thắng |
Đầm Đông Hồ là tài nguyên đất ngập nước của Kiên Giang có giá trị khai thác kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân vùng Hà Tiên và các vùng lân cận, tạo sức bật xây dựng thành phố Hà Tiên thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, hiện đại, thân thiện môi trường. Quyết liệt chấn chỉnh tình trạng bao chiếm, bảo vệ đầm Đông Hồ cũng là bảo vệ tiềm năng xây dựng một trong hai hồ chứa nước lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (cùng với tiềm năng của hồ thứ hai nằm ở vùng trũng nhất hai tỉnh Đồng Tháp và Long An), nhằm bảo vệ vựa lúa của cả nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhiều tác động từ con người.