Cảng biển ASEAN trong chính sách Một vành đai một con đường của Trung Quốc

BVR&MT – Trung Quốc đang đầu tư vào các cảng nước sâu tại Myanmar và Campuchia nhằm cung cấp các đầu mối liên kết quan trọng trong Sáng kiến Một vành đai Một con đường của nước này. Tuy nhiên có nhiều lo ngại rằng các dự án cảng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy Trung Quốc can thiệp sâu vào kinh tế khu vực. Dưới đây là một số bình luận của ông Suwatchai Songwanich, Giám đốc điều hành Ngân hàng Băng Cốc tại Trung Quốc đăng trên The Nation.

Tại vịnh Bengal, Myanmar, các công ty quốc doanh Trung Quốc đã được bật đèn xanh xây dựng một cảng nước sâu trị giá 7,3 tỷ USD và một khu công nghiệp trị giá 2,7 tỷ USD trong đặc khu kinh tế do Trung Quốc sở hữu 70% và Myanmar sở hữu 30%.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng nếu tỷ lệ cổ phần của Myanmar chiếm quá nhiều thì có thể sẽ rơi vào một cái bẫy nợ như trường hợp của Sri Lanka hồi cuối năm ngoái khi phải bàn giao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc.

Cảng ở Hambantota, Sri Lanka Ảnh: AFP

Ngoài Myanmar, Trung Quốc cũng đang đầu tư vào Campuchia và một số cảng ở Malaysia, bao gồm cả cảng nước sâu dự kiến được xây dựng tại Melaka – trung tâm buôn bán gia vị cổ xưa tại Malaysia. Dự án cảng Melaka sẽ do các công ty Malaysia và Trung Quốc cùng phát triển.

Yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc đầu tư vào các dự án cảng là vấn đề an ninh, đặc biệt là về năng lượng. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu hàng hải của Trung Quốc đều phải đi qua eo biển Malacca (giữa Singapore, Malaysia và Indonesia).

Trung Quốc cũng có chiến lược cấp thiết là phát triển chuỗi cung ứng tích hợp, vì vậy đầu tư vào các cảng là một phần không thể thiếu trong chiến lược này.

Hiện Trung Quốc đang nắm giữ nhiều cổ phần trực tiếp tại các cảng, với khoảng 2/3 số lượng container trên thế giới.

Các công ty Trung Quốc cũng sở hữu các hãng vận chuyển container lớn nhất thế giới như China COSCO Shipping và đang đầu tư vào tiếp vận, kho bãi, bất động sản công nghiệp, đường sắt, nhà máy lọc dầu và đường ống dẫn năng lượng – nguồn cung cấp nguyên liệu cho chuỗi cung ứng.

Một lẽ tự nhiên, Đông Nam Á là trọng tâm trong chiến lược này bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và khoảng một nửa số quốc gia nằm trong Sáng kiến Một vành đai Một con đường của Trung Quốc là các quốc gia ASEAN.

Tuy nhiên, có nhiều thách thức Trung Quốc phải vượt qua.

Tại Sihanoukville, Campuchia, nơi Trung Quốc đầu tư xây dựng một cảng nước sâu và một đặc khu kinh tế, người dân địa phương phàn nàn rằng khu vực này đã trở thành một vùng đất của người Trung Quốc.

Chính phủ Malyasia đang xem xét tất cả các dự án của Trung Quốc bao gồm các cảng và tuyến đường sắt mới được lên kế hoạch với Singapore.

Và ở Sri Lanka, cảng Hambantota cũng không được đánh giá là một dự án thành công.

Những tình huống này minh họa một số thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi thực hiện Sáng kiến Một vành đai Một con đường và cho thấy quốc gia này cần phải tìm sự cân bằng giữa các mục tiêu chiến lược, các yêu cầu kinh tế và nhu cầu của địa phương.

Bích Ngọc (Theo Straitstimes.com)