Cần tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Tại Hội thảo thường niên các tổ chức xã hội Việt Nam năm 2008 do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 12/9 tại Hà Nội, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA nhận định các tổ chức xã hội đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của quốc gia, tuy nhiên, nếu được tạo điều kiện tốt hơn, sự đóng góp đó sẽ còn hiệu quả và sâu rộng hơn nữa.

TS. Phạm Văn Tân cho hay trong số gần 500 tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc VUSTA có tới hơn một nửa hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong đó, mỗi năm, các tổ chức này thu hút khoảng 10 triệu USD từ nguồn viện trợ nước ngoài và phần lớn đều đổ dồn vào các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Riêng lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, các tổ chức xã hội có nhiều hoạt động nổi bật về truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm hình thành ý thức tự giác chấp hành luật pháp về bảo vệ môi trường, tích cực tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Song song với đó, các tổ chức cũng xây dựng nhiều mô hình trình diễn và nhân rộng tại nhiều địa phương, đơn cử như mô hình về đồng quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn cây di sản, cộng đồng sử dụng năng lượng tái tạo, cộng đồng nói không với amiang…

Trong những năm gần đây, các tổ chức xã hội Việt Nam ngày càng tham gia chủ động hơn trong phản biện và vận động chính sách liên quan tới môi trường. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên môi trường đều có ý kiến đóng góp, phản biện của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các văn bản quan trọng như: Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học… cùng các Nghị định, Thông tư và văn bản dưới luật khác.

Tuy nhiên, TS. Phạm Văn Tân cũng thẳng thắn bày tỏ vai trò của các tổ chức xã hội chưa được nhìn nhận đúng mức nên vấn đề xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường chưa thật sự bền vững. Thậm chí, một số chính sách như Nghị định 93/2009/NĐ-CP về quy chế quả lý và sử dụng viện trợ còn gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức xã hội, do đó cần được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo thuận lợi và hiệu quả cho việc tiếp nhận, quản lý cũng như sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Cũng tại Hội thảo, một số tham luận của các tổ chức xã hội chia sẻ nhiều thông tin xoay quanh các vấn đề môi trường đáng chú ý hiện nay, trong đó có tình trạng suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết dù có hơn 2.000 con sông nhưng Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ suy thoái và cạn kiệt cả nguồn nước mặt và nước ngầm. Nguyên do xuất phát từ việc phát triển quá dày các hệ thống công trình hồ đập trên các dòng sông, vấn đề lấn chiếm hành lang tiêu thoát lũ, khai thác cát trái phép, tình trạng xả thải từ khu công nghiệp – đô thị – làng nghề không qua xử lý gây ô nhiễm nặng các nguồn nước.

Phát triển thủy điện ồ ạt gây ra những tác hại khôn lường đến môi trường và xã hội

Cũng theo TS. Tứ, việc xây dựng tràn lan các con đập thủy điện đã lấy đi hơn 50.000 ha rừng (số liệu tính tới 2013) nhưng chỉ 2% diện tích này được trồng bù, vì vậy hệ sinh thái đầu nguồn nhiều con sông, dòng suối bị suy thoái trầm trọng, dòng nước và phù sa, trầm tích bị giữ lại ở hồ chứa khiến nguồn dinh dưỡng cho hạ lưu giảm, hiện tượng sạt lở vào mùa mưa gia tăng, mùa khô thì thiếu nước, ảnh hưởng tới đời sống và sinh kế của cộng đồng. Mỗi năm, ngành thủy sản phải gánh thêm chi phí 1.400 tỷ để xử lý ô nhiễm nước.

Phát triển thủy điện ồ ạt gây ra những tác hại khôn lường đến môi trường và xã hộiĐối với vấn đề phát triển nhiệt điện than, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cũng bày tỏ nhiều quan ngại khi hiện nay, mỗi năm các nhà máy điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ, và nếu không có biện pháp xử lý thì ước tính tới năm 2030, tổng lượng tro xỉ tích lũy sẽ lên tới 423 triệu tấn. Xỉ than chứa nhiều kim loại nặng như cadimi, chì, thủy ngân, asen nên nếu bãi thải xỉ không được chống thấm tốt, các chất độc hại bị ngấm xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sinh kế và sức khỏe của người dân sống xung quanh.

Theo bà Khanh, để giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí, cần có chính sách và hành động cụ thể nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo, giải quyết tro xỉ phát thải từ các nhà máy điện than và trên hết là ban hành Luật về không khí sạch.

Thiên Ý

CHIA SẺ