BVR&MT – Thời gian qua, nhiều đập chứa chất thải, nước thải của các mỏ khai thác khoáng sản ở một số tỉnh liên tiếp xảy ra đã để lại hậu quả nặng nề đối với môi trường và là vấn đề cấp bách mang tính chất xã hội và chính trị của cộng đồng.
Cho đến nay, thực trạng được coi là “thảm họa” trên vẫn đang có nguy cơ tái xảy ra khi trên cả nước còn rất nhiều mỏ khoáng sản không có hồ sơ quản lý bãi thải, hồ chứa bùn thải, nước thải nằm ở trên cao, có nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo môi trường, khiến người dân sống ở gần các khu vực mỏ không khỏi lo lắng.
Mới đây nhất, ngày 07/09/2018, tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai lại tiếp tục xảy ra sự cố vỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP số 2, tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, làm tràn khoảng 45.000 m3 khối nước thải và bùn ra môi trường, có nguy cơ gây tác động xấu đến dòng chảy trong khu vực và nguồn nước sông Hồng trên địa bàn các tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Được biết, hồ thải của Nhà máy DAP số 2 có thiết kế 7,5ha và đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm qua nên lượng bùn thải ngày một lớn, lượng nước trong hồ chỉ chiếm 2,5 ha. Đây chính là nguyên nhân làm vỡ hồ vì mưa lớn nhiều ngày làm nước dâng cao cùng với bùn đất phá vỡ những điểm xung yếu.
Ngay khi nhận được thông tin xảy ra vụ việc vỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP số 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn hoả tốc số 4846/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh Lào Cai và Yên Bái đề nghị khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó sự cố, cô lập nguồn nước bị ô nhiễm; thông báo cho người dân sinh sống, nuôi trồng thủy sản trên và gần khu vực dòng chảy bị ô nhiễm do sự cố vỡ đập, để di dời hoặc có biện pháp bảo đảm an toàn.
Đồng thời, ngay trong chiều 07/09/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cử Tổ công tác tới tỉnh Lào Cai để phối hợp với các địa phương thực hiện khảo sát, nắm bắt tình hình và tổ chức triển khai khắc phục sự cố nêu trên.
Sự cố vỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP số 2 vừa xảy ra, cho thấy việc xây dựng và vận hành hồ đập chứa bùn, nước thải được coi là “bom bùn”, “bom nước” ở trên cao của các doanh nghiệp khai khoáng cần được đầu tư bài bản, có trách nhiệm, để đảm bảo an toàn, tránh những thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra.
Khẳng định với phóng viên Bảo vệ rừng và Môi trường về việc đảm bảo an toàn hồ đập chứa bùn thải, nước thải là nhiệm vụ cần phải ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoạt động, vận hành sản xuất khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Văn Tọa, Giám đốc Công ty TNHH Hướng Dương (một doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) thừa nhận, thời gian qua có rất nhiều đập chứa bùn-nước thải bị vỡ do không được đầu tư, đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo ông Tọa, khi để xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn thải, nước thải, thì thiệt hại để lại sẽ rất nặng nề. Thiệt hại ở đây có thể sẽ khiến doanh nghiệp phá sản, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống, sức khỏe của cộng đồng, nhất là người dân sinh sống ở phía dưới.
“Nhận thức được thảm họa trên, trong quá trình vận hành sản xuất, chúng tôi luôn bố trí phương tiện như máy xúc và nhân lực kiểm tra thường xuyên bờ bao, để đảm bảo bờ bao được chắc chắn, không để xảy ra sai sót nào. Sau mỗi trận mưa là chúng tôi cho tu bổ lại bờ bao, kiểm tra, khơi thông mương nước quanh hồ… Đó cũng là lý do mà mặc dù công ty chúng tôi đã dừng hoạt động gần một năm nay để dồn sức tu sửa lại máy móc, nhưng thời gian qua chúng tôi vẫn luôn đảm bảo an toàn cho đập chứa nước thải, nhất là trong mùa mưa lũ” – ông Tọa chia sẻ.
Văn Hoàng