Các hệ sinh thái vùng ven biển Việt Nam dưới sức ép phát triển

Phát triển kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng của Việt Nam trong điều kiện chính trị, kinh tế và khoa học, công nghệ  hiện nay có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn.  Mục tiêu chiến lược biển của Việt Nam cũng xác định rõ đến năm 2020, Việt Nam sẽ “trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, trong đó kinh tế biển chiếm khoảng 53-55% GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Nghị quyết số 09-NQ/TW năm 2007). Để đạt được mục tiêu này, việc sử dụng tài nguyên môi trường biển, phát triển kinh tế cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt công tác điều tra các quá trình hải dương học, các nguồn lợi tài nguyên môi trường biển, tổ chức các dịch vụ công ích cho khai thác biển, công tác quy hoạch phát triển… cần được đẩy mạnh và sát sao. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong nội dung của chiến lược phát triển biển và các chương trình hành động mà các địa phương xây dựng trong thời gian qua đã lộ rõ nhiều yếu kém, thiếu sót. Đặc biệt, thực tiễn phát triển ở Việt Nam hiện nay cho thấy còn nhiều bất cập trong vấn đề quản trị – quy hoạch phát triển các ngành trong việc sử dụng không gian biển. Đó thực sự là thách thức đối với quá trình phát triển nhận thức về khai thác tài nguyên – phát triển kinh tế biển, có thể tạo ra những ngộ nhận về giá trị tài nguyên, về vai trò của vùng biển và về khả năng quản lý phát triển kinh tế biển của từng địa phương.

Ảnh minh họa: PanNature

Có thể nói quy hoạch không gian biển hiện nay của Việt Nam còn rất thiếu và yếu. Chúng ta mới chủ yếu quan tâm đến mức độ, thành tích phát triển và giá trị kinh tế mà chưa đánh giá được giá trị thực sự của các hệ sinh thái trong vùng biển cũng như những rủi ro, hệ quả xấu về môi trường và sinh thái biển, chưa có sự cân nhắc kỹ càng giữa đánh đổi môi trường và lợi ích kinh tế trước mắt. Hầu hết các lĩnh vực phát triển liên quan đến các rủi ro về ô nhiễm môi trường đều tập trung ở các vùng ven biển – nơi đặt những nhà máy, khu công nghiệp luyện thép, nhiệt điện, hóa chất… và có khả gây ra những thảm họa về môi trường, trong đó điển hình là bài học tại Formosa năm 2016.

Điều đáng chú ý là hiện nay, các hệ sinh thái biển đã và đang bị suy giảm trầm trọng, trong đó hệ sinh thái rừng ngập mặn đã giảm 80% qua hơn 50 năm khai thác, gây thiệt hại khoảng 250-800 USD/ha mỗi năm, chưa tính đến tổn thất về các chức năng là nơi cư trú, sinh sản của nhiều loài động vật, chức năng chống xói lở, chống gió, bão của rừng ngập mặn (Lê Xuân Tuấn và cộng sự, 2008). Đặc biệt, có đến 96% hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam bị đe dọa suy thoái, trong đó 75% ở tình trạng nghiêm trọng. Khai thác quá mức đe dọa 60% số rạn, quá trình bồi lắng đe dọa 50% số rạn. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ khoảng 1% rạn san hô còn ở trạng thái tốt. Các hệ sinh thái vùng triều, vùng cửa sông, vùng đất ngập nước và cỏ biển cũng đang ngày càng suy giảm và bị thu hẹp do sức ép của gia tăng dân số, phát triển kinh tế và đô thị hóa (Võ Sĩ Tuấn và cộng sự., 2003)

Sở dĩ điều này chưa được quan tâm bởi chúng ta chưa có cái nhìn đúng đắn về nguồn lợi hệ sinh thái. Hiện tại các đóng góp trực tiếp của hệ sinh thái biển cho nền kinh tế biển chưa được coi trọng đúng mức, dẫn đến việc thiếu chú trọng xứng đáng đối với các chính sách đầu tư cho nguồn lợi sinh thái so với những nguồn lợi kinh tế khác. Nguồn lợi hệ sinh thái bao gồm nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, từ đó con người có thể sử dụng, khai thác và quản lý để tạo ra vật chất, phục vụ lợi ích cho con người. Tuy nhiên, giá trị hệ sinh thái không chỉ phục vụ mục đích khai thác mà cần được hoàn trả, tái tạo trong quá trình sản xuất, sử dụng… nhưng để thực hiện được điều này thì cực kỳ phức tạp và tốn kém.

Bảng 1: Nguồn lợi hệ sinh thái – chức năng và tầm quan trọng

TT Nguồn lợi hệ sinh thái đối với: Chức năng hệ sinh thái Ví dụ
1 Vai trò trong sự điều chỉnh khí hậu Điều chỉnh thành phần hóa học của khí quyển – nhiệt độ quy mô toàn cầu, lượng mưa và những quá trình khí hậu sinh học gián tiếp khác. Cân bằng CO2/O2, O3 cho việc bảo vệ UVB và mức SOx ; kiểm soát khí nhà kính, giữ trạng thái cân bằng về sinh quyển
2 Sự điều chỉnh nước Điều chỉnh dòng thủy văn, kiểm soát – dự trữ nguồn nước Cung cấp nước cho nông nghiệp (như dẫn nước) hoặc công nghiệp (tuyến khoáng) hoặc sự vận chuyển.
3 Cung cấp nước Sự dự trữ và duy trì tài nguyên nước (nước mặt và nước ngầm) Cung cấp nước từ lưu vực sông, bề chứa và tầng nước ngầm.
4 Khống chế xói mòn và duy trì trầm tích Duy trì và bảo vệ đất trong một hệ sinh thái Ngăn chặn mất bào mòn do gió, chảy tràn hoặc các chu trình vận chuyển khác đối các vùng đất ngập nước,ven biển
5 Tái tạo dinh dưỡng Lưu trữ, bổ sung thành phần vật chất cho chu trình sinh-địa–hóa trong môi trường. Giữ sự cân bằng Carbon, Nitơ, Photpho và những nguyên tố khác hoặc tái tạo dinh dưỡng.
6 Đóng vai trò trong xử lý ô nhiễm Sự hồi phục của chất dinh dưỡng linh động và sự dịch chuyển hoặc phân hủy của lượng dư hoặc chất dinh dưỡng xenic và hợp chất. Xử lý chất thải, điều khiển ô nhiễm, giải độc.
7 Kiểm soát sinh vật Sự điều chỉnh dinh dưỡng – tác động về cấu trúc (số lượng – thành phần loài) Yếu tố quyết định giữ trạng thái cân bằng giữa các loài.
8 Dự trữ nguồn giống (Refugia) hay bãi sinh sản của các loài thủy sinh vật Môi trường sống của loài không di cư và các loài cư trúngắn ngày Vườn ươm, thói quen di trú của các loài, những vùng sống cho các loài đặc biệt hoặc vùng đất theo các mùa – thời gian
9 Tham gia – vai trò chính trong sản xuất nguồn lợi Tỷ lệ tổng lượng sơ cấp chính tách ra từ thực phẩm Sản phẩm của cá, cây trồng, các loại đậu, trái cây từ việc săn bắn, hái lượm, hoạt động nông trại hoặc đánh bắt.
10 Cung cấp nguồn tài nguyên Nguồn duy nhất của tài nguyên sinh học và sản phẩm Thuốc, sản phẩm từ khoa học tài nguyên, gen chống chịu với mầm bệnh thực vật và con vật thí nghiệm, những loài đặc biệt (thú cưng và những trạng thái khác nhau của thực vật)
11 Đóng vai trò trong hoạt động giải trí – văn hóa Cung cấp cơ hội cho các hoạt động giải trí, Cung cấp thời cơ sử dụng phi thương mại Du lịch sinh thái, và các hoạt động giải trí bên ngoài. Thẩm mỹ, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo và những giá trị khoa học hệ sinh thái.

Mặc dù có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, song hệ sinh thái biển vẫn chưa được đánh giá và quan tâm đúng mức. Không chỉ vậy, các chính sách phát triển bao gồm cơ cấu ngành nghề, phương thức khai thác và tổ chức quy hoạch quản lý vùng ven biển, vùng biển… cũng thiếu khoa học và chưa hợp lý – điều này tác động không nhỏ tới hệ sinh thái biển nói chung và tài nguyên sinh vật biển nói riêng, hệ quả làm cạn kiệt các hệ sinh thái, các nguồn lợi ven bờ do mất nơi cư trú, khai thác quá mức, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Đơn cử như ở ven biển miền Trung trong những năm 1960 có khoảng 20.000ha rừng ngập mặn nhưng do chính sách phá rừng để nuôi tôm nên nhiều nơi rừng ngập mặn suy giảm nghiêm trọng, có nơi gần như biến mất trên bản đồ như bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa); đầm Thị Nại (Bình Định)…

Đáng chú ý là ngay các văn bản luật pháp và các cơ chế chính sách cũng chưa phát huy đầy đủ hiệu quả trong vấn đề quản lý, giám sát và thực thi các văn bản pháp quy liên quan đến khai thác, sử dụng và bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái, các nguồn lợi sinh vật biển…ay như tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc hiện có tới 5 dự án được chấp thuận, thậm chí có  dự án còn xây dựng nhà nghỉ trên biển, vi phạm quy định tại Nghị định 57 của Chính phủ đối với các khu bảo tồn. Gần đây nhất là việc Bộ TN&MT cấp phép cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống vùng biển gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau và trước sức ép của dư luận, việc nhận chìm đã phải chuyển hướng sang khu vực khác.

Có thể nói, muốn bảo tồn hệ sinh thái biển, trước tiên cần chú ý tới cơ chế, chính sách bảo vệ nguồn lợi biển cũng như chức năng hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển với những nội dung quan trọng như: suy thoái môi trường do khai thác rừng không hợp lý; suy thoái môi trường do khai thác tài nguyên ven bờ; ô nhiễm, suy thoái môi trường do công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ô nhiễm môi trường do chất thải sinh hoạt; ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải, du lịch; ô nhiễm, suy thoái môi trường do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón; ô nhiễm, suy thoái môi trường do khai thác, chế biến khoáng sản.

Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch, khai thác vùng biển, cần đặc biệt lưu ý đến những sự cố/xung đột môi trường, các tác động có khả năng xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội, kinh tế và môi trường như: sự cố tràn dầu do tai nạn trên biển, do hỏng thiết bị, thời tiết…; các hoạt động lấn biển, khai hoang đất dẫn đến xung đột, mất các hệ sinh thái tự nhiên bảo vệ bờ biển và bãi sinh sản, nguồn giống các loài thủy hải sản gây ra các mâu thuẫn lợi ích giữa hoạt động của các ngành nghề…; hoạt động phát triển các khu kinh tế, trung tâm nhiệt điện… làm phá hủy diện tích rừng ngập mặn và ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa, cần ưu tiên các lĩnh vực kiểm soát nước thải, quản lý các hoạt động vùng lưu vực; kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải nội địa và kiểm soát các nguồn thải chất hóa học do con người; sử dụng bền vững và bảo tồn các nguồn lợi sinh vật biển của vùng biển khơi theo các cam kết quốc tế; tăng cường phối hợp và hợp tác quốc tế, bao gồm cả phối hợp và hợp tác trong khu vực.

Hoàng Trung Du, Viện Hải dương học