Các khu bảo tồn phát thải lượng lớn carbon do mất rừng

BVR&MT – Phá rừng là một cú đánh đúp vào khí hậu. Việc mất rừng không chỉ trực tiếp giải phóng một lượng lớn CO2 mà còn làm co hẹp “lá phổi” của Trái Đất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ rằng nạn phá rừng có thể xảy ra trên toàn thế giới nhưng chí ít thì rừng tại các khu bảo tồn sẽ vẫn an toàn. Nghiên cứu mới đây trên Nature do Tiến sĩ Murray Collins (Đại học Edinburgh, Anh) chủ trì đã bác bỏ điều này.

Nghiên cứu cho hay nạn phá rừng vẫn diễn ra ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn (chiếm 15% diện tích đất toàn cầu), giải phóng hàng triệu tấn carbon mỗi năm. Đó thực sự là một tin xấu trước tình trạng khí hậu trái đất đang ngày một nóng lên.

Theo ông Collins, “mất rừng ở các khu bảo tồn” là vấn đề các nhà nghiên cứu đã biết từ lâu. Tuy nhiên, các ảnh hưởng của nạn phá rừng tại các khu bảo tồn tới khí hậu vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Đây chính là lý do ông và các đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu này.

Thiệt hại do cháy rừng ở Vườn quốc gia Berbak trong năm 2011 (Ảnh: Murray Collins)

Sử dụng bản đồ thể hiện độ che phủ rừng, trữ lượng carbon và các khu bảo tồn, nhóm nghiên cứu đã tìm ra lượng carbon được dự trữ và giải phóng do phá rừng trong các khu bảo tồn của vùng nhiệt đới.

Ngăn chặn phá rừng là một trong những mục tiêu ưu tiên của đa số các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Do vậy, nhóm kỳ vọng kết quả nghiên cứu có thể cung cấp các cơ hội bảo tồn hiệu quả cho các dự án giảm nhẹ biến đổi khí hâu. Tiến sĩ Collins cho rằng việc cải thiện việc thực thi pháp luật trong một khu vực đang được bảo vệ – có thể đem lại những lợi ích lớn đối với khí hậu – sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc giảm nạn phá rừng ở các loại hình sử dụng đất khác. Bởi vì, “các khu bảo tồn chỉ cần tập trung vào nỗ lực bảo vệ để giảm phát thải từ mất rừng mà không cần phải thay đổi trạng thái sử dụng đất”.

Nhóm nghiên cứu cho biết 2.018 khu bảo tồn ở các vùng nhiệt đới lưu trữ gần 15% sinh khối carbon của tất cả các khu rừng nhiệt đới. Và trữ lượng carbon là khác nhau ở các khu bảo tồn khác nhau. Dữ liệu cho thấy các khu vực được phân loại bảo vệ nghiêm ngặt theo Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) có mật độ dự trữ carbon trung bình cao nhất. Điều này cho thấy các khu bảo vệ tốt hơn có nhiều carbon để mất hơn.

Tuy nhiên, cho dù các khu bảo tồn được thành lập thì nạn phá rừng không giảm xuống như mong đợi. Trong thời gian từ năm 2000 đến 2012, trung bình mỗi năm có khoảng 0,2% diện tích rừng tại các khu bảo tồn bị mất.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng phát thải carbon phân bố không đều giữa các khu vực được bảo vệ. Chỉ chưa tới 9% các khu bảo tồn mà các nhà khoa học lấy mẫu đã đóng góp tới 80% tổng lượng phát thải carbon của các khu bảo tồn từ năm 2000 đến năm 2012.

Đáng chú ý là chỉ 10 khu bảo tồn đã đóng góp 1/3 tổng lượng phát thải carbon từ năm 2000 đến năm 2012. Một trong số các khu vực rừng phát thải cao nhất là Brazil và Indonesia, chiếm gần một nửa lượng khí phát thải.

Nghiên cứu nhấn mạnh 5 khu bảo tồn phát thải nhiều carbon nhất do phá rừng là : Khu bảo tồn Triunfo Do Xingu và Rừng Quốc gia Jamanxim (Brazil), Khu dự trữ sinh quyển Maya (Guatemala), Vườn quốc gia Patuca (Honduras) và Vườn Quốc gia Sebangau (Indonesia).

Dữ liệu từ trường Đại học Maryland và từ Giám sát Rừng toàn cầu cho thấy Khu bảo tồn Triunfo Do Xingu (Brazil) mất gần 24% diện tích rừng trong 14 năm từ năm 2001 đến 2014. Phần lớn diện tích bị mất là rừng nguyên sinh, nơi thảm thực vật còn nguyên sơ và chưa bị tác động. Theo Giám sát Rừng toàn cầu, những thực vật này bị mất đi làm phát thải khoảng 149,3 triệu tấn CO2.

Nghiên cứu cũng cho biết việc xây dựng các con đập, đường giao thông, hoạt động khai thác mỏ, khai thác gỗ và canh tác nông nghiệp đều góp phần vào việc phá rừng trong khu bảo tồn.

Vùng đệm xung quanh Khu dự trữ sinh quyển Maya (Guatemala) mất khoảng 36% diện tích rừng trong thời gian năm 2001 đến 2014 làm phát thải khoảng 54,3 triệu tấn CO2.

Khai thác gỗ được cho là một nguyên nhân chính của việc mất rừng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Sebangau (Indonesia), Khai thác gỗ trái phép là vấn nạn của Vườn, làm mất khoảng 8% diện tích rừng từ năm 2001 đến năm 2014, phát thải khoảng 17,7 triệu tấn CO2.

Nạn phá rừng cho dầu cọ gần Vườn Quốc gia Sebangau ở miền Trung Kalimantan, Indonesia. (Ảnh: Rhett A. Butler)

Các nhà nghiên cứu không ngạc nhiên khi Brazil ở đầu danh sách vì đây là khu vực rừng khổng lồ dự trữ lượng lớn carbon. Bằng cách so sánh sự tương quan của các nguyên nhân, các nhà khoa học cho rằng Indonesia là quốc gia đáng lo ngại hơn vì còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan tới quản lý các khu bảo tồn.

Khi diện tích của khu bảo tồn được đưa vào cân nhắc thì một vấn đề khác bắt đầu nổi lên. Có nhiều khu vực phát thải ra nhiều carbon hơn dự đoán so với diện tích của chúng. Và đây chính là những khu bảo tồn đáng lo ngại nhất.

Tiến sĩ Collins cho biết: “Có một số ít các vườn quốc gia đang phát thải nhiều khí nhà kính hơn dự đoán so với diện tích của chúng. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích bảo tồn, 23 khu bảo tồn này đã phát thải một lượng carbon gần bằng 1/3 tổng lượng phát thải carbon được ghi nhận từ năm 2000 đến năm 2012. Tương đương, nhiều gấp khoảng 20 lần so với dự kiến dựa trên kích thước của chúng. Đây chính là những phát hiện thực sự đáng kể của nghiên cứu”.

Ông Collins cho rằng nghiên cứu này đã giúp đưa ra một danh sách các khu bảo tồn có lượng khí thải carbon do mất rừng quá mức so với diện tích để bắt đầu tập trung nỗ lực. Và ông tin rằng những khu bảo tồn này sẽ là trọng điểm của các dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Hồng Anh (Theo Mongabay).