Bình Liêu (Quảng Ninh): Nét đẹp bản Cao Thắng và Khe O

BVR&MT – Ở Cao Thắng và Khe O qua thời gian và năm tháng, với những con mắt tài tình của người xưa đã tạo nên một vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, uốn lượn, trải dài trên các sườn đồi quanh co, những hòn đá nhấp nhô ở giữa các thửa ruộng. Dòng nước chảy tí tách bờ nối bờ tạo thành một dây đàn đang vang giữa núi rừng vậy.

Được thiên nhiên ban tặng món quà cho các dân tộc vùng cao, tô thêm sắc thắm, hòa mình vào vẻ đẹp của Bình Liêu. Bản Cao Thắng và Khe O, nằm ở lưng chừng núi và những khe suối, thuộc xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã được minh chứng qua con mắt của người nghệ sĩ nhiếp ảnh,…

Vẻ đẹp ngất ngây của những thửa ruộng bậc thang.

Mỗi mùa có một đặc trưng và nét đẹp riêng của miền đất này. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là mùa nước đổ vào tháng 8, khi mà những cách đồng ruộng bậc thang nối nhau đổ nước. Những thửa ruộng uốn lượn, xa xa là những hòn đá nhấp nhô to nhỏ như những cô bé, cậu bé đang đợi mẹ ngoài đồng hay những người nông dân đang làm ruộng, cảnh chiều về là người nông dân với con trâu cày thân thuộc đang lật từng mảng đất màu mỡ hứa hẹn một mùa năm mới đầy bội thu. Hay những đứa trẻ nô đùa trên những thửa ruộng đợi bố cùng về tạo nên một khung cảnh của một vùng quê thanh bình…

Có một nét riêng ở bản Cao Thắng và Khe O, đều là dân tộc Dao Thanh Y sinh sống, người dân tộc nơi đây rất thân thiện, mến khách và rất tốt bụng, nếu bạn là khách lên đây thì chắc chắn sẽ nhớ mãi món rượu của bản làng vùng cao. Một thứ đặc sản mang đậm nét riêng của Bình Liêu đó là những loại rượu đặc trưng như: Rượu khoai, rượu sắn và rượu ngô. Ở đây mọi người ít khi pha trà mời khách, thay vào đó là những chén rượu chân tình để bắt đầu một câu chuyện đầy thú vị. Sự mộc mạc và chân thành của bà con nơi đây đã để lại ấn tượng sâu đậm của những vị khách đường xa khi về đây du lịch, trải nghiệm cuộc sống.

Những ngôi nhà đất một nét riêng trên bản vùng cao.

Mùa vàng của lúa chín vào tháng 10, tháng 11 là dịp không thể bỏ lỡ ở đây những thửa ruộng bậc thang đổ sắc vàng, trải dài quanh những ngọn đồi uốn lượn và dài bất tận. Nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, hay thả mình vào với thiên nhiên, hưởng thụ và cảm nhận bầu không khí trong lành của bản vùng cao. Không chỉ vậy mà có thể hòa mình vào nếp sống của bà con, hòa mình vào cách sinh hoạt của mọi người để thấy được sự bình dị nơi đây.

Đặc biệt, những đứa trẻ vùng cao này lớn lên bên cạnh củ khoai, củ sắn và những bắp ngô vàng hay những ngày phơi nắng cùng mẹ trên nương, những ngày đi chăn trâu cắt cỏ, đó là cả một tuổi thơ mà những đứa trẻ ở thành phố không bao giờ có được. Ở đây những đứa trẻ vùng cao vẫn mang trong mình một nét hồn nhiên, sự dụt dè, sự tò mò mỗi khi có người lạ lên bản… và những ngôi nhà đất đã trở thành một điểm nhấn, một nét khám phá độc đáo của của mọi người khi đến đây. Những ngôi nhà in đậm dấu thời gian, được chứng minh qua những viên gạch, mái ngói phủ rêu xanh. Màn khói mờ ảo mà say nồng, nghi ngút trên những mái ngói của gian bếp bản vùng cao sớm chiều.

Hoàng Tôn