BVR&MT – Các nguồn cung lương thực của thế giới đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào thương mại toàn cầu. Điều này có thể gây ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt đột ngột và tăng giá lương thực. Đó là kết luận được đưa ra trong báo cáo “Chokepoints and Vulnerabilities in Global Food Trade” (Tạm dịch: Các điểm huyết mạch và dễ tổn thương trong Thương mại lương thực toàn cầu) do Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) công bố mới đây.
Nghiên cứu cảnh báo về “nguy cơ ngày càng tăng với an ninh con người” do khả năng xảy ra “sự sụp đổ mang tính hệ thống”và tiềm ẩn nguy cơ của hiện tượng “thiên nga đen” (Black Swan) – chỉ các sự kiện hãn hữu xảy ra nhưng có hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Các tác giả báo cáo kêu gọi thiết lập một “cơ chế phản ứng khẩn cấp” quốc tế để giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng có thể phát sinh, đồng thời gia tăng các nguồn cung lương thực khẩn cấp. Trong đó, cần có hành động cấp bách để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng “yếu ớt và lão hóa” ở các vựa cây trồng chính như Nga, Ukraina và Mỹ.
Nóng lên toàn cầu dự kiến sẽ gây ra các đợt bão kinh hoàng và gia tăng ngập lụt ở một số khu vực, có thể làm hỏng đường xá, đường sắt và bến cảng. Nhiệt độ và lượng mưa thay đổi cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.
Theo báo cáo, thương mại quốc tế cho phép một số khu vực trên thế giới chỉ chuyên sản xuất một số loại sản phẩm lương thực nhất định, giúp tăng năng suất và hạ giá thành, nhưng đồng thời cũng khiến hệ thống lương thực toàn cầu đối mặt với những căng thẳng ngày càng gia tăng.
Báo cáo cho hay: “Cho đến nay, mặc dù các lực lượng thị trường đã được điều chỉnh nhưng khả năng ứng phó của hệ thống thương mại quốc tế trước sự gián đoạn của nguồn cung trong bối cảnh đổi khí hậu vẫn không chắc chắn”. Biến đổi khí hậu sẽ ngăn chặn việc gia tăng năng suất cây trồng và khiến hiệu quả thu hoạch không ổn định. Đồng thời, biến đổi khí hậu cũng đe dọa tính bền vững và toàn vẹn của các cơ sở hạ tầng mà thương mại quốc tế phụ thuộc vào.”
Các chuyên gia đã chỉ ra 14 tuyến huyết mạch cung cấp lương thực liên tục trên thế giới, trong đó bao gồm kênh đào Panama và Suez, mạng lưới đường sắt và đường thủy nội địa của Hoa Kỳ, hệ thống đường bộ của Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đó, tính riêng ba khu vực Mỹ, Brazil và Biển Đen đã chiếm 53% tổng khối lượng xuất khẩu toàn cầu về lúa mì, gạo, ngô và đậu nành. Ba loại cây lương thực hàng đầu này chiếm 60% lượng thức hàng ngày của con người, không những vậy đậu nành còn chiếm 65% thức ăn đạm của vật nuôi trên thế giới.
Báo cáo cho hay hiện các tuyến huyết mạch tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn cả hệ thống. Sự gián đoạn nghiêm trọng tại một hoặc nhiều điểm huyết mạch có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và tăng giá, với hậu quả mang tính hệ thống có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của thị trường lương thực.
Báo cáo nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thế giới ngày càng khó dự đoán thì việc đảm bảo khả năng phục hồi của người dân và các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng trước sự gián đoạn dây chuyền của chuỗi cung ứng và các sự kiện “thiên nga đen” trở thành vấn đề sống còn. Sự ổn định của hệ thống sẽ tiềm ẩn những rủi ro ngày càng lớn nếu không có đầu tư đáng kể vào các phương pháp tiếp cận mới với các tuyến thương mại lương thực huyết mạch”.
Báo cáo cho hay 10% thương mại ngũ cốc, đậu nành và phân bón toàn cầu chỉ có thể đi qua một tuyến huyết mạch hàng hải mà chưa tìm được phương án thay thế khả thi.
Sự tan chảy nhanh chóng của băng Bắc Cực đang mở ra các tuyến vận tải mới giữa Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng các tuyến đường mới không có khả năng làm giảm áp lực lên các tuyến vận tải hiện có trước nửa sau của thế kỷ này.
Bà Laura Wellesley, thành viên nhóm nghiên cứu, bình luận rằng các sự kiện trong quá khứ như lũ lụt ở Braxin và miền Nam Hoa Kỳ và lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ từ các nước Biển Đen góp phần vào cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” (12/2010 – 12/2012) đã cho chúng ta nếm thử hậu quả của những gián đoạn có thể xảy ra khi các tuyến huyết mạch đóng cửa.
Theo bà, việc chính phủ thường có những quyết sách ngắn hạn và vì lợi ích quốc gia có thể càng “làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu và suy yếu khả năng phục hồi của cả hệ thống”. Do đó, chúng ta cần một cách tiếp cận mới chẳng hạn như hợp tác để lập bản đồ và giảm nhẹ mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Bích Ngọc (Theo Independent)