BVR&MT – Hầu hết các nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu đều nỗ lực dự đoán tương lai trái đất khi nhiệt độ tăng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới, do các nhà sinh thái học và sinh vật học bảo tồn phối hợp thực hiện, đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến mọi mặt của sự sống trên trái đất, từ nguồn gen cho đến toàn bộ hệ sinh thái. Nghiên cứu vừa mới được công bố trên tạp chí Science vào đầu tháng 11 vừa qua.

Nghiên cứu do Đại học Florida chủ trì với sự tham gia của Đại học Hồng Kông khẳng định, trong tổng số 94 diễn biến sinh thái được đánh giá trên toàn cầu, 82% cho thấy đã bị ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Đất, nước ngọt, hệ sinh thái đại dương và các loài đều bị ảnh hưởng, mà hậu quả cuối cùng đối với loài người là bệnh dịch, sâu bệnh bùng phát, ngành thủy sản biến đổi một cách khó dự đoán và năng suất nông nghiệp suy giảm.

Nghiên cứu được đưa ra vào đúng thời điểm quan trọng, khẳng định nhu cầu lên kế hoạch thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu một cách thiết thực. Hiệp định này vừa bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 4/11/2016, đánh dấu sự đồng thuận lần đầu tiên của các chính phủ về các giới hạn có tính ràng buộc nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 20C. Trên thực tế, Hiệp định còn quá chậm trễ, bởi theo công bố của Tổ chức Khí tượng Thế giới vào ngày 9/11/2016, giai đoạn 2011 – 2015 là những năm nóng nhất trong lịch sử, với đỉnh điểm nhiệt độ vào năm 2015.

TS. Brett Scheffers, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Florida cho biết đã có đủ bằng chứng cho thấy chỉ cần nhiệt độ toàn cầu tăng lên 10C, hệ sinh thái tự nhiên đã phải chịu những tác động nặng nề. Nguồn gen, các đặc điểm sinh vật lý như kích cỡ cơ thể đang thay đổi. Toàn bộ hệ sinh thái rõ ràng đang phải chịu áp lực nặng nề để thích ứng với những thay đổi khí hậu trên cả đất liền và đại dương, không ngoại trừ khu vực nào. Biến đổi khí hậu không còn là một vấn đề trong tương lai mà thực sự là mối lo ngại ngay trong hiện tại.

Theo nghiên cứu, biến đổi khí hậu sẽ mở rộng sinh cảnh đối với một số loài và thu hẹp với một số loài khác. Thời gian sinh sản và các sự kiện theo mùa khác cũng bị thay đổi. Nghiên cứu có liên quan đặc biệt tới Hồng Kông. Theo GS Dudgeon tại Đại học Hồng Kông, có thể dự đoán rằng các loài đặc hữu của Hồng Kông sẽ có rất ít cơ hội chuyển sang nơi ở mới để thích nghi với biến đổi khí hậu. Cá thiên đường Hồng Kông và cóc chân ngắn là hai trong số các loài không thể điều chỉnh được không gian sống đang bị lấn chiếm bởi quá trình đô thị hóa. Nếu không thể thích ứng, chúng chỉ còn đường suy giảm dần.

Trên quy mô toàn cầu, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, đặc biệt là khi vượt quá giới hạn 1,5 độ C được đặt ra trong Hiệp định Paris, hệ sinh thái sẽ phải đối diện với một tương lai bất định. Đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái mang lại lợi ích cho con người đang thực sự đối mặt với rủi ro khó lường.

Đan Khuê/ Theo ENN

CHIA SẺ