Bảo tồn Voọc chà vá chân nâu trước sức ép phát triển

Là quần thể rừng, biển nằm ngay trong nội thành thành phố Đà Nẵng, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên. Đây cũng là nơi cư ngụ của gần 300 cá thể Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), một trong những loài linh trưởng quý hiếm, được tôn vinh là “nữ hoàng linh trưởng” và có giá trị bảo tồn toàn cầu. Tuy nhiên, sống trên một khu vực rừng bị cô lập và thường bị con người tác động, quần thể linh trưởng quý hiếm này đang bị đe dọa biến mất do sinh cảnh sống có nguy cơ bị thu hẹp bởi sự hiện diện của con người và hoạt động khai thác, phát triển ngày càng nhiều.

Theo nhận định của Báo cáo “Lựa chọn bảo tồn trước sức ép từ phát triển: Trường hợp Voọc chà vá chân nâu trên Bán đảo Sơn Trà”, các mối đe dọa đối với hoạt động bảo tồn Voọc chà vá chân nâu chủ yếu đến từ các dự án phát triển khiến diện tích rừng đặc dụng bị thu hẹp cùng những bất cập, hạn chế liên quan đến chính sách quản lý, bảo vệ bán đảo Sơn Trà. Mặt khác,  áp lực của việc gia tăng dân số, tình trạng mất rừng do thiên tai, cháy rừng và vi phạm lâm luật cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự suy giảm quần thể loài.

Trong vài năm gần đây, các tổ chức và chuyên gia bảo tồn linh trưởng của Việt Nam và quốc tế đã nỗ lực lên tiếng, đối thoại với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động nghiên cứu, giám sát với hy vọng bảo tồn được nơi ở và đời sống hoang dã của quần thể “nữ hoàng” linh trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, Báo cáo đề xuất các biện pháp cần thiết và cấp thiết nhằm bảo tồn bán đảo Sơn Trà nói chung và loài Voọc chà vá chân nâu nói riêng. Cụ thể: cần xây dựng cơ chế hợp tác đa bên giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội với các tổ chức bảo tồn, nhà khoa học và cộng đồng dân cư để cùng cam kết, chung tay bảo tồn tính nguyên vẹn của hệ sinh thái tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà. Kỳ vọng này phụ thuộc rất lớn vào sự cân nhắc và quyết định của chính quyền thành phố Đà Nẵng trong việc lựa chọn mục tiêu quy hoạch và kế hoạch bảo tồn, phát triển bán đảo Sơn Trà lâu dài và bền vững, theo cách không hoặc ít phải đánh đổi nhất giữa lợi ích kinh tế của nhà đầu tư và di sản thiên nhiên của cộng đồng.

Các khuyến nghị cụ thể cho việc bảo tồn hệ sinh thái của bán đảo Sơn Trà của báo cáo bao gồm:

Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, Thành  phố Đà Nẵng, bao trùm các quy hoạch về rừng đặc dụng Sơn Trà, quy hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch ĐDSH của Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch an ninh, quốc phòng… để đảm bảo các yếu tố ĐDSH được xem xét đầy đủ khi phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể cả bán đảo.

Thứ hai, cần xem xét mở rộng diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, tạo thành một quy hoạch chung tổng thể kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh
thái hữu cơ tự nhiên.

Thứ ba, cần giải quyết các diện tích đất giao khoán rừng đang nằm trong ranh giới KBTTN Sơn Trà nhằm tránh trường hợp lợi dụng việc đi lại để thực hiện các hành vi vi phạm lâm luật. Đề xuất thu hồi có bồi thường đối với diện tích này và giao cho Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn thống nhất quản lý và bảo vệ.

Thứ tư, cần xây dựng cơ chế phối hợp quản lý giữa các đơn vị liên quan, trong đó, xác định đơn vị đầu mối quản lý và chịu trách nhiệm chính về bán đảo Sơn Trà. Như đã phân tích, bán đảo Sơn Trà hiện có nhiều đơn vị cùng quản lý, bảo vệ và khai thác với chức năng chồng chéo và phối hợp lỏng lẻo. Đề xuất giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính.

Thứ năm, cần tăng cường quản lý khách du lịch thông qua việc lắp đặt các barier và thu vé tham quan bán đảo Sơn Trà. Bởi hiện nay du khách lên Sơn Trà tự do, không có cơ chế kiểm soát, không thu vé tham quan nên cũng không thực hiện được chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ du lịch sinh thái.

Thứ sáu, cần tăng cường điều tra cơ bản, các nghiên cứu khoa học để cập nhật dữ liệu về thông tin tổng thể về ĐDSH của Sơn Trà, đặc biệt là các loài quý, hiếm, nguy cấp ở Sơn Trà.

Báo cáo “Lựa chọn bảo tồn trước sức ép từ phát triển: Trường hợp Voọc chà vá chân nâu trên Bán đảo Sơn Trà” được ra mắt tại Hội thảo “Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Đại học Đà Nẵng tổ chức vào sáng nay (28/4). Hội thảo hướng đến mục tiêu chia sẻ thông tin và tăng cường hiểu biết về giá trị hệ sinh thái, đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà, đồng thời thảo luận về các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát triển tại đây cũng như tạo diễn đàn đa bên nhằm tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho phát triển bền vững bán đảo.
CHIA SẺ