Bảo tồn nghệ thuật nói lý – hát lý của người Cơ Tu ở Nam Giang

BVR&MT – Hiện nay, nhiều huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam mở các lớp học, thành lập câu lạc bộ, thậm chí đưa vào dạy ngoại khóa nghệ thuật nói lý – hát lý ở trường học để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật này.

Nói lý – hát lý là loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu độc đáo của người Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam. Một thời gian, nghệ thuật này đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền trong đời sống hiện đại. Hiện nay, nhiều huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam mở các lớp học, thành lập câu lạc bộ, thậm chí đưa vào dạy ngoại khóa nghệ thuật nói lý- hát lý ở trường học để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật này.

Câu lạc bộ nói lý – hát lý thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thu hút khá đông bạn trẻ người Cơ Tu đến sinh hoạt. Đều đặn hàng tháng, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần. Các thành viên được già làng, nghệ nhân có kinh nghiệm và am hiểu về nghệ thuật ứng khẩu nói lý – hát lý truyền dạy.

Một buổi giao lưu sinh hoạt nói lý-hát lý của người Cơ Tu

Chị Ría Thị Đứa, ở thôn Công Tơ Rơn, xã La Dêê, huyện Nam Giang tham gia Câu lạc bộ nói lý – hát lý. Tiếp xúc và tìm hiểu loại hình nghệ thuật ứng khẩu, truyền khẩu độc đáo này, chị càng thích thú và đam mê học hỏi. Được các nghệ nhân truyền dạy, bây giờ chị Ría Thị Đứa có thể nói lý – hát lý khi sinh hoạt với thành viên câu lạc bộ hoặc trình diễn tại các hội diễn cộng đồng: “Em được đi tập huấn, học cách thể hiện hát lý. Em rất vinh dự và không bao giờ quên được bài hát lý, bài ca quê hương của dân tộc Cơ Tu”.

Nói lý – hát lý thường được trình bày trong đám cưới, ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em hay giải quyết các mối bất hòa của người Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam. Một thời gian, nghệ thuật nói lý, hát lý và nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của người Cơ Tu bị lãng quên, nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại. Lớp trẻ lớn lên học tiếng Việt nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, chưa kể đây là môn nghệ thuật không phải người Cơ Tu nào cũng có thể hát được, nói được. Nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại lấn át, các thế hệ trẻ ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống.

Trước thực tế này, huyện Nam Giang xây dựng, triển khai Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tộc người Cơ Tu, trong đó có nghệ thuật nói lý – hát lý. Huyện khuyến khích thành lập các câu lạc bộ nói lý – hát lý; huy động già làng, người có uy tín, những nghệ nhân am hiểu bộ môn này tham gia sinh hoạt và truyền dạy cho lớp trẻ. Một số trường học cũng đưa bộ môn này vào dạy ngoại khóa, giúp học sinh hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và yêu thích văn hóa bản địa. Đáng mừng, ngày càng có nhiều lớp trẻ, học sinh người Cơ Tu tham gia vào các câu lạc bộ học nói lý – hát lý.

Nghệ nhân Bling Hạnh, ở thôn Công Dồn, xã Zuôich, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là người hiếm hoi ở xã này biết nói lý – hát lý. Ông rất vui khi loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Cơ Tu được phục hồi.

Từ ngày thành lập Câu lạc bộ nói lý – hát lý, ông BLing Hạnh hăng say tập luyện để truyền dạy cho hậu thế: “Bản thân phải hết sức mình tuyên truyền vận động lớp trẻ theo học, tập năng khiếu nói lý hát lý có hiệu quả. Sau này, lớp trẻ ai cũng phát huy được bản sắc văn hóa của địa phương mình”.

Huyện Nam Giang chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của người Cơ Tu

Tỉnh Quảng Nam triển khai “Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Tỉnh này tập trung bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số miền núi; Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch cộng đồng; Phục hồi, bảo tồn và phát huy nghề dệt và trang phục truyền thống; lễ hội truyền thống; các loại hình nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc như múa Tung tung da dá, nói lý – hát lý, điêu khắc… Nhiều huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cũng đầu tư trang bị mỗi thôn, khu phố bộ trống, chiêng; mở các lớp tập huấn múa Tung tung da dá, nghệ thuật nói lý – hát lý, dạy cách đánh trống, phục dựng lại lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh xây dựng mỗi thôn, bản ở miền núi đều có đội văn hóa, văn nghệ là các câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Ông Hồng nói: “Trong giai đoạn này, tỉnh hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh tập trung phục dựng lại các lễ hội, hỗ trợ để cho già làng truyền dạy nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh xây dựng một số mô hình thí điểm để kết hợp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa kết hợp với phát triển du lịch miền núi”.