Báo động tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Hà Nội

BVR&MT: Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đã dần trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân. Mặc dù một số nước đã có quy định khắt khe về hạn chế tiếng ồn trong khu dân cư với chế tài xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thực trạng ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức đáng báo động.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong ba thập niên trở lại đây, nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người, nhất là tại các nước đang phát triển. Ngoài tiếng ồn công nghiệp trong các nhà máy, tiếng ồn phát ra từ xe cộ và từ các hoạt động giải trí trong đời sống, nhất là âm nhạc cường độ lớn cũng làm tổn hại sức khỏe của chúng ta, thường gặp nhất là chứng ù tai, mất tập trung, stress…

Trong Hội thảo “ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe và biện pháp dự phòng” do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với Công ty Rion Nhật Bản tổ chức ngày 20/7/2017 tại Hà Nội đã đưa ra thông báo: Ô nhiễm tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp đều vượt mức cho phép.

Tiếng ồn giao thông tác động nặng nề tới cuộc sống người dân.

Thực tế, tại Thủ đô Hà Nội hiện nay, hàng ngày, có không ít người dân đang phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn bủa vây từ khắp mọi phía. Anh Nguyễn Tùng (Cầu Giấy) chia sẻ: “khi di chuyển bằng xe máy trên các tuyến đường ở Hà Nội tâm lý vô cùng căng thẳng. Đôi khi, đang dừng đèn đỏ mà cũng bị còi ầm ĩ phía sau. Còn ở các tuyến đường vành đai thì thỉnh thoảng lại hết hồn với tiếng còi hơi của xe tải. Cảm giác âm lượng còi xe làm xe mình bị lảo đảo, suýt lao vào mép đường. Rất nguy hiểm”.

Không chỉ mỗi tiếng còi xe, tiếng động công trình đang thi công, rồi những tiếng động lớn quá mức được phát ra từ những chiếc loa của hàng karaoke dạo, các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy khi vào mùa khuyến mãi. Thậm chí, ở những không gian công cộng như trên xe khách, trong rạp chiếu phim hay sân bay, hành vi bật loa điện thoại, máy tính bảng, một người nghe nhạc nhưng bắt những người xung quanh bị tra tấn về thính lực vẫn khá phổ biến.

Tiếng động trong quá trình xây dựng cũng là tác nhân gây ô nhiễm lớn.

Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.

Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.

Vì vậy, để giảm thiểu tiếng ồn tại các khu đô thị là cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện khi tham gia giao thông – đó là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn; trồng cây xanh 2 bên đường giao thông. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như: Bệnh viện, trường học, đường cao tốc qua khu dân cư…, cần xây tường cao chắn ồn. Về lâu dài, việc quy hoạch đô thị, khu công nghiệp phải xem xét đến yêu cầu chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia giao thông đô thị, việc xác định được đâu là tiếng ồn, và mức độ tiếng ồn to hay nhỏ thì không khó khăn. Nhưng việc xác định mức độ tiếng ồn như thế nào được coi là vượt mức ồn tối đa cho phép tại khu công cộng và dân cư theo quy định hiện hành thì không phải là điều dễ dàng. Đây cũng là khó khăn chung đối với các cơ quan quản lý khi không biết xử lý ở đâu, xử lý như thế nào. Do đó, cần có các phương tiện để giám sát tiếng ồn như đồng hồ đo cường độ tiếng ồn đặt công khai ở các khu vực công cộng. Để có căn cứ xử phạt vi phạm, thực hiện có hiệu quả việc đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đô thị hiện nay”.

Mặt khác, bên cạnh các Nghị định xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chính quyền thành phố cần phát động phong trào đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn, tạo một nét văn hóa trong cộng đồng dân cư để nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ đôi tai, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.

Đông Nghi – Vũ Phương