BVR&MT – Với hơn 100 nghìn ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, tiềm năng công nghiệp chế biến gỗ của Bắc Kạn là rất lớn. Công nghiệp chế biến gỗ được Bắc Kạn xác định là trọng tâm trong phát triển công nghiệp đang có những bước tiến mới.
Nhiều năm trước, công nghiệp chế biến gỗ của Bắc Kạn không hiệu quả. Dự án lớn nhất là nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Sahabak đổ bể. Phần lớn gỗ rừng trồng người dân bán cho các xưởng gỗ bóc nên chuỗi giá trị kinh tế thu được không cao. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, lĩnh vực này của Bắc Kạn đã khởi sắc.
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ dùng một lần do Công ty TNHH Kẻ Gỗ làm chủ đầu tư với kinh phí gần 20 tỷ đồng, vừa đi vào hoạt động được vài tháng nhưng đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Trong 1 tháng qua, đơn vị đã sản xuất được 6 triệu sản phẩm, gồm: thìa, dĩa bằng gỗ để xuất sang thị trường các nước châu Âu và Bắc Mỹ, qua đó đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ Trịnh Đức Kiên cho biết, dự án xây dựng nhà máy của chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất các sản phẩm bằng gỗ dùng 1 lần thay thế các sản phẩm nhựa để góp phần giảm thiểu phát thải rác thải nhựa ra môi trường. Đồng thời, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm lâm sản tại tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, Bắc Kạn đã thu hút được một số dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản có quy mô lớn, như: Dự án nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn do Công ty cổ phần Đầu tư Govina làm chủ đầu tư, công suất 120 nghìn m3 ván dán các loại/năm; Dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, công suất 30 nghìn m3 ván dán/năm, 200 nghìn m3 ván sàn/năm; Dự án đầu tư sản xuất chế biến gỗ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hồng Ngọc, công suất 12 nghìn m3 sản phẩm ván dán/năm và 3.000m3 sản phẩm ván ghép thanh/năm; Dự án chế biến đũa gỗ tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VINACOM, công suất hơn 20 triệu đôi đũa/năm…
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã linh hoạt tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Các công ty đã đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư thêm máy móc, dây chuyền hiện đại, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, đã dần phục hồi và hoạt động ổn định, nhiều đơn vị còn tạo ra sản phẩm có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường xuất khẩu, với doanh thu tăng trung bình từ 20-40%, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập khá.
Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn Nông Đình Huân cho biết, trong những năm gần đây các dự án thu hút đầu tư về khu công nghiệp cơ bản là dự án chế biến gỗ. Các dự án này đúng với trọng tâm thu hút đầu tư của tỉnh và đã hoạt động hiệu quả, tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại, có khoảng 1.000 công nhân trong khu công nghiệp, bình quân mỗi một công nhân thu nhập 1 tháng bình quân chung 7-8 triệu đồng, có trường hợp hơn 10 triệu đồng.
Nhờ có những dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, trong những năm gần đây, giá trị ngành chế biến gỗ của Bắc Kạn đã tăng trưởng đáng kể, nhất là đối với sản phẩm gỗ dán. Riêng trong năm 2021 vừa qua, ngành gỗ dán tăng trên 200% về doanh thu và giá trị xuất khẩu.
Bắc Kạn cũng có những bước đi trong khuyến khích thu hút đầu tư phát triển điện sinh khối nhằm tận dụng hết toàn bộ thân, cành, lá sau khai thác gỗ rừng trồng. Theo ước tính, lượng phụ phẩm bao gồm vỏ cây, cành, lá, mùn cưa, dăm gỗ… từ trồng, khai thác, chế biến của Bắc Kạn chiếm tỷ trọng khoảng 30-35% tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng. Đây là nguồn sinh khối rất lớn có thể tận dụng làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển điện sinh khối tại địa phương.
Bắc Kạn đã chấp thuận cho 1 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát đầu tư nhà máy điện sinh khối tại cụm công nghiệp Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông. Mới nhất, vào đầu tháng 3/2022, Bắc Kạn đã làm việc với Liên danh Tập đoàn T&T và Tập đoàn Erex Nhật Bản về việc khảo sát, nghiên cứu điện sinh khối tại tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, Bắc Kạn xác định công nghiệp chế biến gỗ là có tiềm năng và có thể phát triển ở quy mô lớn. Việc xuất khẩu gỗ của tỉnh trong 2 năm qua đã đạt con số triệu USD là minh chứng cho tiềm năng đó. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, nhất là chế biến gỗ trên cơ sở lợi thế đã hình thành vùng nguyên liệu. Tỉnh sẽ tập trung sử dụng vốn ngân sách để đầu tư các cụm công nghiệp ở các địa phương, thu hút các nhà đầu tư nhà máy chế biến lâm sản; phấn đấu chế biến tối đa gỗ nguyên liệu, giảm bán gỗ nguyên liệu dạng thô như gỗ tròn, gỗ bóc ra ngoài địa bàn.
Có thể nói, với lợi thế nằm ở trung tâm ở khu vực Đông Bắc, giao thông đang hoàn thiện, nhiều cụm công nghiệp được đầu tư và có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, Bắc Kạn đang dần trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư công nghiệp chế biến gỗ. Bắc Kạn hoàn toàn có thể trở thành “trung tâm công nghiệp chế biến gỗ” ở vùng Đông Bắc. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025 đưa diện tích rừng trồng toàn tỉnh đạt 100 nghìn ha, diện tích khai thác trung bình từ 5.500-6.500ha/năm với trữ lượng khoảng 700-900 nghìn m3/năm, sản xuất ra 300 nghìn m3 sản phẩm.