Bắc Kạn chưa tìm được giải pháp quản lý khoáng sản hiệu quả

BVRMT – Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng lớn về khoáng sản, những năm gần đây việc khai thác được triển khai trên quy mô khá lớn. Tuy nhiên, việc quản lý có nhiều bất hợp lý dẫn đến gây ô nhiễm môi trường và thất thu ngân sách. Khắc phục thực trạng này vẫn đang là thách thức đối với địa phương.

Ảnh minh họa.

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 61 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động khai thác khoáng tại 66 mỏ và điểm mỏ, trong đó chủ yếu là chì- kẽm, sắt, vàng, đá, cát- sỏi, tổng số thuế, phí mà tỉnh thu được là hơn 493 tỷ đồng, bình quân chỉ hơn 80 tỷ đồng/ năm. Đến nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang nợ 62 tỷ đồng thuế, phí, trong đó 50% trong số này là của các doanh nghiệp có mỏ đã đóng cửa, hết hạn khai thác.

HĐND tỉnh Bắc Kạn đang giám sát việc khai thác, quản lý khoáng sản trên địa bàn, hầu hết các địa phương có khoáng sản và các ngành chức năng đều báo cáo: Việc quản lý khoáng sản thời gian qua có nhiều bất cập, dẫn đến ô nhiễm môi trường và thất thu thuế, phí. Kết quả thu thuế, phí hằng năm trên lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản chưa phản ánh đúng thực tế. Nhưng thất thu bao nhiêu thì không ai chỉ ra được cụ thể.

Bất cập trong quản lý thuế, phí đối với khai thác khoáng sản hiện nay là doanh nghiệp tự kê khai sản lượng nộp thuế, phí. Trên thực tế, doanh nghiệp kê khai có đúng không thì cơ quan thuế không thể kiểm soát được. Là huyện có hoạt động khoáng sản sôi động nhất tỉnh, Phó Chi cục Thuế huyện Chợ Đồn Ma Viết Thời thừa nhận: “Doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế, phí khoáng sản. Còn việc kê khai có đúng với sản lượng khai thác, vận chuyển đi tiêu thụ hay không thì chúng tôi không đủ lực lượng và cũng không có khả năng kiểm soát sản lượng của doanh nghiệp”.

Bất hợp lý này đã gây hậu quả trên thực tế, đó là trong một lần thanh tra đột xuất của các ngành chức năng gần đây, phát hiện có doanh nghiệp “quên” khai báo thuế, phí đối với hàng nghìn tấn quặng, gây thất thu cho ngân sách hàng tỷ đồng. Nếu thanh tra trên diện rộng, chắc chắn sẽ “lòi” ra thêm hàng chục doanh nghiệp “quên” khai báo không chỉ vài nghìn tấn quặng như thế này.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn lý giải: “Công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức; công tác kiểm tra, kiểm soát khoáng sản vận chuyển chưa được thường xuyên, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan khiến cho doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở. Tỉnh chưa kiên quyết xử lý doanh nghiệp không chấp hành pháp luật thuế, cố tình dây dưa nợ thuế kéo dài; hầu hết các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa được thăm dò trữ lượng đầy đủ nên khi cấp giấy phép khai thác chủ yếu dựa trên các đề án của doanh nghiệp dẫn đến khó khăn trong quản lý, đối chiếu về lượng khoáng sản khai thác với trữ lượng mỏ làm cơ sở cho kê khai thuế, ấn định thuế”.

Mặc dù tỉnh Bắc Kạn đã có chủ trương gắn khai thác khoáng sản với chế biến sâu tại chỗ từ hàng chục năm trước, nhưng đến nay chủ trương này đã bị “phá sản”, vì có đến 75% sản lượng quặng không được chế biến tại chỗ mà được vận chuyển ra khỏi tỉnh. Điều này khiến giá trị gia tăng của khoáng sản không mang lại lợi ích cho tỉnh, đồng thời tàn phá hạ tầng giao thông.

Phụ trách đoàn giám sát khai thác, quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phương Thị Thanh thẳng thắn: “Thời gian qua, tất cả các khâu trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh đều có những hạn chế, bất cập, hậu quả là ô nhiễm môi trường và thất thu ngân sách”.

Khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý khoáng sản thời gian vừa qua, UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng xây dựng một đề án tổng thể. Tuy nhiên, đến nay các ngành vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào hữu hiện và mang tính lâu dài. Cụ thế, Sở Công thương đưa ra giải pháp gắn camera theo dõi tải trọng phương tiện vận chuyển khoáng sản tại các trạm cân. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nông Văn Chí nghi ngờ hiệu quả phương án này.

Thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản là việc của Nhà nước. Nhưng trên địa bàn tỉnh, đang diễn ra sự bất hợp lý lớn trong thời gian qua và hiện nay, đó là doanh nghiệp tự bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, sau đó lại cấp phép cho chính doanh nghiệp đó khai thác. Ông Chí cho rằng, làm như vật sẽ không khách quan, chính xác, vì doanh nghiệp tự thăm dò thì sẽ đưa ra những số liệu có lợi cho họ.

Khắc phục những bất cập trong quản lý hiện nay, tỉnh cần đứng ra thuê đơn vị có chức năng, có chuyên môn và kinh nghiệm thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, các mỏ khoáng sản một cách cụ thể, chính xác, khách quan. Sau đó, đơn vị nào được cấp phép thì phải trả kinh phí thăm dò; đồng thời căn cứ vào phương án khai thác, trữ lượng khoáng sản của mỏ để thu thuế, phí hằng năm. Làm được như vậy, không cần nhiều cán bộ quản lý trên các lĩnh vực mà ngân sách sẽ không bị thất thu.

Nâng cao chất lượng các đề án bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng làm đề án này cho có, không “châm chước” đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc đề án bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ chức năng dung túng cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Dư luận cho rằng tỉnh không nên cấp phép khai thác cho doanh nghiệp không có nhà máy chế biến. Thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính vào lĩnh vực khai thác, gắn với chế biến sâu khoáng sản. Từ đó, tạo giá trị gia tăng, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ và tăng thu cho ngân sách địa phương.

NGUỒNThế Bình/nhandan.com.vn
CHIA SẺ