Áp lực đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng

BVR&MT – Tính đến ngày 31/12/2021, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 378.036,2 ha, trong đó 267.373 ha rừng tự nhiên và 110.663,2 ha rừng trồng. Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính tỷ lệ che phủ rừng là 362.195,2 ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,91%. Năm 2021, toàn bộ diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên đã được tích cực bảo vệ. Toàn tỉnh trồng được 10.037/9.450 ha rừng, đạt 106% so với kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh 5.000 ha, đạt 100%; trồng được hơn 2,2 triệu cây xanh phân tán, đạt 111%. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cán bộ kiểm lâm tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển rừng cho người dân.

Trước tình hình gia tăng về số vụ xâm lấn đất rừng có một phần nguyên nhân do “cơn sốt” bất động sản; mánh khoé, phương thức phá rừng ngày càng tinh vi. Để bảo vệ màu xanh của những cánh rừng, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành, các địa phương đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền cho người dân hiểu vai trò của rừng đối với cuộc sống, từ đó nâng cao ý thức trong Nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng. Trong năm 2021, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp tổ chức 892 buổi tuyên truyền về lâm nghiệp với 38.390 người tham gia. Lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện 299 lượt kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các đơn vị, chủ rừng; phát hiện sớm, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, năm 2021 đã phát hiện, xử lý 234 vụ.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Xây dựng và triển khai quy hoạch lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ, phát triển rừng. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức kiểm lâm, nhất là cán bộ phụ trách địa bàn có phẩm chất, nghiệp vụ, kỹ năng, sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong đó chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng, gắn trách nhiệm với kết quả công việc. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, chính quyền địa phương, đơn vị giáp ranh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, nhất là cấp cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại gây ra đối với rừng và đất lâm nghiệp, lấy việc “bảo vệ rừng từ gốc” là trọng tâm.

Cùng với lực lượng kiểm lâm, các địa phương trong tỉnh cũng áp dụng một số cách làm hay, hiệu quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình như huyện Bát Xát đã thành lập tổ công tác kiểm tra, truy quét, ngăn chặn vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại các xã: Y Tý, Dền Sáng, A Lù. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với người dân sống gần rừng về bảo vệ rừng và phòng cháy rừng; Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát tuyên truyền cho học sinh tìm hiểu chính sách, pháp luật về lâm nghiệp thông qua hình thức thi rung chuông vàng, qua đó giúp học sinh nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Huyện Bảo Yên hướng dẫn đốt nương an toàn có kiểm soát cho các hộ; xây dựng quy ước bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng thôn, bản; xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng cấp xã. Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn lập các chốt trực bảo vệ rừng tại khu vực trọng điểm có nguy cơ xâm hại rừng và cháy rừng cao để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Huyện Bảo Thắng quy chủ đất đai, thực hiện giao đất, giao rừng theo hướng xã hội hóa nhằm giải quyết căn bản vấn đề đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng…

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Nhằm bảo toàn và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 60% vào năm 2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất với UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên sản xuất do UBND cấp xã quản lý; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 3200/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai”. Đề nghị tỉnh đồng ý chủ trương sử dụng nguồn tiền trồng rừng thay thế chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên địa bàn các xã khu vực II, III.

Đối với các địa phương, chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững; đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, công tác phát triển rừng, phối hợp với kiểm lâm tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, chống phá rừng làm nương rẫy, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Thực hiện tốt Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, vào cuộc, gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã trong việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của chủ rừng đối với diện tích rừng được giao; tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện của người dân và cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng…

Thời gian tới, công tác bảo vệ và phát triển rừng dự báo còn gặp nhiều khó khăn do đô thị mở rộng, dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người dân địa phương khó khăn trong tìm kiếm việc làm, phải ở lại địa phương nên nhu cầu đất sản xuất tăng, gỗ tự nhiên khan hiếm khiến các đối tượng luôn rình rập để gây hại đến rừng. Trước thực trạng đó đòi hỏi lực lượng kiểm lâm cùng các sở, ngành, địa phương cần thêm nhiều giải pháp trong bảo vệ, phát triển rừng, góp phần “giải tỏa” áp lực giữ rừng đối với ngành lâm nghiệp.