BVR&MT – Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Environmental Research Letters, các cơn bão nhiệt đới đã và đang di chuyển nhanh hơn qua các lưu vực đại dương kể từ năm 1982.
Ông Sung-Hun Kim tới từ Trường Khoa học – Công nghệ Trái đất và Đại dương (SOEST) thuộc Đại học Hawaii, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định khu vực Bắc Đại Tây Dương đã phải hứng chịu sự gia tăng tần suất hoạt động của các cơn bão nhiệt đới và những cơn bão này đã dịch chuyển về phía các cực ở cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào các cơn bão nhiệt đới từ năm 1982, khi các dữ liệu vệ tinh trở nên hiện đại và đáng tin cậy hơn. Họ đã đánh giá tần suất và vị trí của các các cơn bão cùng xu hướng về tốc độ di chuyển trên một khu vực hoặc trên toàn cầu để đưa ra nhận định trên.
Ông Pao-Sin Chu, Giáo sư chuyên về khoa học khí tượng của Trường Khoa học – Công nghệ Trái đất và Đại dương (SOEST), cho biết: “Khoảng 40% dân số Hoa Kỳ sống ở khu vực ven biển và Hawaii. Gần như tất cả đều dễ chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới và các cơn cuồng phong. Nếu bão di chuyển nhanh hơn, chúng sẽ gây nguy hiểm cho các cộng đồng dân cư sống ven biển và chính quyền bởi họ sẽ có ít thời gian hơn để sơ tán và thực hiện các biện pháp khác”.
Nghiên cứu trên cũng đưa ra nguyên nhân của hiện tượng này là do sự kết hợp của các biến thể tự nhiên và biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Bão nhiệt đới được hình thành nhờ sự phát triển và tăng cường của một xoáy thuận nhiệt đới trong bầu khí quyển. Xoáy thuận nhiệt đới có khuynh hướng phát triển vào mùa Hè, nhưng đã được ghi nhận xảy ra tại hầu hết các lưu vực trong hầu hết mỗi tháng. Trung bình, có 86 cơn lốc xoáy nhiệt đới với cường độ bão nhiệt đới hình thành mỗi năm trên khắp thế giới. Trong số đó, 47 cơn có thể đạt được sức mạnh của cuồng phong và 20 trở thành các cơn lốc xoáy nhiệt đới dữ dội