BVR&MT – Ngày 2/6, Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) đã ra thông cáo kêu gọi hủy bỏ dự án đập Sanakam đang được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và chỉ cách tỉnh Nan, Thái Lan 2 km.
Nhóm cho rằng thay vì tập trung phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông bao gồm dự án đập Sanakham, Lào và các quốc gia trong khu vực cần ưu tiên đầu tư các dự án năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường hơn như năng lượng mặt trời.
Hiện các nhóm bảo tồn trong khu vực đang thúc đẩy chiến dịch phản đối dự án Sanakam.
Chính phủ Lào dự kiến khởi động quy trình PNPCA kéo dài 6 tháng cho dự án Sanakam theo yêu cầu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) bắt đầu từ ngày 11/6.
MRC đề nghị các quốc gia thành viên tiến hành tham vấn PNPCA cho các dự án có tác động xuyên biên giới, tuy nhiên, Ủy hội nhấn mạnh PNPCA không lấn át chủ quyền của một quốc gia.
Lào bị cáo buộc trình ra nghiên cứu tác động môi trường đã lỗi thời, không có sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong khi các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam lo ngại về tác động sinh thái đối với nghề cá và độ phì nhiêu của đất.
Các nhà phê bình cho biết các cấu trúc đập thay đổi hệ sinh thái sông, ngăn chặn cá di cư cùng dòng trầm tích – yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bồi đắp đất hai bên bờ sông và đất nông nghiệp ở Campuchia và Việt Nam.
Riêng tại Thái Lan, các nhóm bảo tồn và mạng lưới các cộng đồng sống dọc sông Mê Kông dự kiến sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bởi Thái Lan dự tính nhập khẩu điện từ đập Sanakham.
Suwit Kularbwong, điều phối viên Hiệp hội Nhân quyền và Môi trường Thái Lan cho biết người dân địa phương sống dọc theo sông Mê Kông sẽ gửi thư cho Thủ tướng. Dân làng yêu cầu chính phủ làm rõ lập trường trong việc bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái và môi trường trên đường thủy quốc tế này.
“Các tác động sẽ rất lớn khi so sánh với những con đập khác”, theo Suwit.
Thế Anh (Theo Bangkok Post)