BVR&MT – Năm 2019 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành lâm nghiệp: Tham gia sâu rộng hội nhập toàn cầu, xây dựng và vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, tập trung trồng rừng theo quy hoạch… Đây là những bước đi quan trọng thúc đẩy hiệu quả của ngành lâm nghiệp, song cũng là thách thức lớn đối với công tác quản lý, nhằm phát triển rừng hiệu quả, bền vững…
Xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia
Đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269.163 héc-ta trên địa bàn 24 tỉnh, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10.000 héc-ta. Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là gần 43 nghìn héc-ta.
Năm 2019, cả nước đã trồng được gần 240 nghìn héc-ta rừng, vượt 12,6% kế hoạch năm. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 11 nghìn héc-ta; rừng sản xuất 227 nghìn héc-ta. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp và các địa phương đã tích cực trồng cây phân tán, chăm sóc hiệu quả rừng trồng và tập trung khoán bảo vệ rừng. Đáng chú ý, năm 2019, công tác khoán bảo vệ rừng cả nước đã đạt hơn sáu triệu héc-ta. Việc trồng rừng tại các địa phương đã có quy hoạch, tạo sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng rừng. Trong năm qua, các địa phương đã sản xuất được hơn 600 triệu cây giống, trong đó cây gieo ươm từ hạt là 500 triệu cây (gồm keo tai tượng, thông mã vĩ, hồi, lát hoa, quế, mỡ, lim xanh, bồ đề, sa mộc) và 150 triệu cây mô hom. Công tác kiểm soát chất lượng giống cây trồng rừng đã đạt 85%. Diện tích rừng trồng chưa được kiểm soát chất lượng chủ yếu do cá nhân, hộ gia đình tự đầu tư, tự chuẩn bị cây giống trồng rừng. Quan trọng hơn, nhằm phục vụ công tác xuất khẩu gỗ và lâm sản, từ năm 2014 đến hết năm 2019, cả nước đã trồng được hơn 230 nghìn héc-ta rừng trồng thâm canh gỗ lớn.
Trong năm nay, để phấn đấu cả nước trồng rừng đạt 220 nghìn héc-ta, ngành lâm nghiệp đang sát sao chỉ đạo các địa phương tích cực trồng rừng tập trung theo quy hoạch và chứng chỉ rừng quốc gia, đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn ven biển, phát triển diện tích rừng sản xuất có sẵn để bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, theo quy định phục vụ ngành chế biến, sản xuất gỗ và lâm sản tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đạt giá trị cao.
Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong năm 2019. Theo đó, ngành lâm nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ, tài liệu hợp tác với Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng châu Âu (PEFC) và đã trở thành thành viên thứ 50 của Chương trình này. Thêm vào đó, ngành lâm nghiệp cũng đang khẩn trương hoàn thiện và ban hành hồ sơ, tài liệu để vận hành hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam bảo đảm đúng quy định và phù hợp thông lệ quốc tế. Đồng thời, phối hợp PEFC để lựa chọn đơn vị đánh giá Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Dự kiến, trong quý II-2020 sẽ chính thức được PEFC công nhận Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia. Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp phối hợp Tập đoàn Cao-su Việt Nam để thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho ba công ty cao-su với tổng diện tích là 52.600 ha, trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng là 11.800 ha theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và lâm sản
Năm 2019, cả nước đã đạt giá trị xuất khẩu lâm sản là 11,2 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2018, vượt 6,6% so với kế hoạch (10,5 tỷ USD). Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt 9,71 tỷ USD, chiếm 86,5% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam hiện đứng thứ năm thế giới, đứng thứ hai châu Á, thứ nhất Đông – Nam Á về xuất khẩu lâm sản.
Để có nguồn nguyên liệu bảo đảm cho xuất khẩu, ngành lâm nghiệp đang tập trung xây dựng và đi vào sản xuất các vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản theo quy hoạch, bảo đảm chứng chỉ rừng quốc gia. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hợp tác và liên doanh, liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đã được các địa phương phát triển. Điển hình như, mô hình liên kết giữa công ty tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ (Tập đoàn IKEA) với công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ (công ty chế biến gỗ); liên kết giữa NAFOCO với các hộ trồng rừng Yên Bái; liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ trồng rừng Tuyên Quang; liên kết giữa Công ty Scansia Pacific với các hộ trồng rừng Quảng Trị; liên kết giữa Công ty Woodsland với năm công ty lâm nghiệp Tuyên Quang, liên doanh, liên kết giữa công ty chế biến gỗ và người dân tại các tỉnh Quảng Nam; Quảng Ninh,… Hiện nay, tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã thành lập Hiệp hội chủ rừng có chứng chỉ rừng, đây là các mô hình đầu tiên của cả nước, đang phát huy hiệu quả trong việc trồng, quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp gỗ có chứng chỉ rừng, tăng lợi nhuận cho người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.
Đến nay, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu lâm sản cũng tăng trưởng nhanh (từ năm 2010 đến nay, bình quân tăng hơn 10%/năm), trong đó, nhóm đồ nội thất có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản. Nhằm chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu cho chế biến, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, Tổng cục Lâm nghiệp đang xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững; tiếp tục duy trì việc trao đổi thông tin với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản.
Về phát triển thị trường, ngành lâm nghiệp thực hiện đồng thời việc phát triển thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, trong đó, thế mạnh là thị trường xuất khẩu. Hiện tại, sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và EU ký hết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã giúp tăng cường quản trị rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác.
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường xuất khẩu chính. Đây là nền tảng thúc đẩy ngành gỗ của Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020 đạt 12 tỷ USD.
Năm 2019, giá trị sản xuất của toàn ngành lâm nghiệp tăng 5%. Trong đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 41,85%, tăng 0,2% so với năm 2018; trồng rừng 239.152 ha, đạt 112,6% kế hoạch năm; trồng cây phân tán 63,5 triệu cây, đạt 107,8% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu lâm sản cả năm đạt 11,2 tỷ USD (đạt 107% so với kế hoạch), tăng 20% so với năm 2018; cả nước thu được hơn 2.800 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng.