BVR&MT – Cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án Ấn Độ đã ra phán quyết xác nhận hai dòng sông Ganges và Yamuna là những thực thể sống, có nghĩa các hành vi gây ô nhiễm hay hủy hoại hai dòng sông này sẽ tương tự như làm hại một con người. Đây có lẽ là một tin đáng được chào đón đối với những người đang quan ngại về tương lai của dòng sông Mê Kông.
Tháng trước, sông Whanganui tại New Zealand cũng được công nhận quyền như một thực thể sống, quyền được chính phủ New Zealand bảo vệ.
Có thể nói, hai quyết định trên là những bước tiến quan trọng trong chính sách về môi trường. Một quyết định tương tự có thể áp dụng đối với sông Mê Kông – dòng sông dài nhất Đông Nam Á đang nuôi sống hàng triệu người và được các cộng đồng ven sông tôn kính từ bao đời nay, như sông Ganges, Yamuna và Whanganui. Tuy nhiên, có lẽ một quyết định pháp lý sẽ không còn kịp thời để trì hoãn hai con đập Xayaburi và Don Sahong gây tranh cãi, đang được tiến hành xây dựng trên sông Mê Kông.
Vốn đã phải chịu quá nhiều tác động từ 6 con đập được xây dựng trên thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhiều chuyên gia tin rằng sông Mê Kông đang rơi vào khủng hoảng trước những dự án trên hạ nguồn tại Lào và có thể cả Campuchia.
Theo nhận định của nhà sinh thái học Zeb Hogan, “dòng sông Mê Kông đang ở điểm tới hạn, khi mà những lựa chọn được đưa ra trong vòng 10-15 năm tới sẽ hoặc tạo nên, hoặc phá hủy lối sống mà con sông này đang vun đắp.” WWF cũng cảnh báo, các hoạt động phát triển thiếu bền vững và thiếu sự phối hợp đang đẩy hệ thống sông đến bờ vực thẳm.
Thế nhưng, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) – cơ quan quốc tế duy nhất được ủy thác bảo vệ dòng sông – dường như chưa quan tâm đến sự suy giảm chất lượng sông và nguy cơ mất đi nguồn phù sa giầu dinh dưỡng mỗi khi một con đập được tiến hành xây dựng.
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam vào tháng trước, Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông mặc dù đồng tình với những tác động nhất định mà đập thủy điện sẽ gây ra cho hệ sinh thái lưu vực, nhưng lại cho rằng những công trình này sẽ không “giết chết” dòng sông.
Trong khi đó, TS. Philip Hirsch (Đại học Sydney) khẳng định đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy nếu toàn bộ chuỗi đập trên dòng chính và nhiều dự án trên dòng nhánh được tiến hành, sông Mê Kông sẽ chỉ còn là dòng sông chết.
Lo ngại rằng MRC chưa có đủ can thiệp cần thiết nhằm duy trì sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường, các quốc gia phương Tây đang tài trợ MRC đã quyết định cắt giảm bớt nguồn tài trợ cho MRC. Đan Mạch – nhà tài trợ lớn nhất của MRC đã ngừng hỗ trợ tài chính cho Ủy hội kể từ năm 2015.
Cũng theo TS. Philip Hirsch, chương trình nghề cá của MRC cũng đã đưa ra nhiều báo cáo với kết luận phản đối tiến hành xây dựng con đập Don Sahong. Thế nhưng các nhà lãnh đạo MRC không hề sử dụng những dữ liệu này để đưa ra khuyến nghị phản đối con đập.
Vào thời điểm mà con sông Mê Kông đang thực sự cần một sự lãnh đạo sáng suốt và truyền cảm hứng để bảo vệ đa dạng sinh học của dòng sông, các tổ chức phi chính phủ lại cho rằng những người dẫn dắt MRC hiện tại không tôn trọng các báo cáo khoa học về tác động của đập thủy điện.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) đã mô tả cách tiếp cận “xây trước, nghiên cứu sau” của đập Xayaburi là “một mô hình thiếu trách nhiệm một cách nguy hiểm cho các hoạt động xây đập trên sông Mê Kông.”
Trong khi đó, Nghiên cứu Châu thổ Mê Kông thực hiện bởi Nhóm tư vấn DHI (Đan Mạch) đã kết luận “kể cả những công nghệ đường đi cho cá tốt nhất hiện có” cũng không đủ tải trọng cho lượng cá di cư khổng lổ có thể lên tới 1 triệu con/giờ trong các mùa cao điểm, đồng thời giải pháp này cũng chưa cân nhắc về sự đa dạng trong tập tính di cư của hàng trăm loài cá trên lưu vực.
Những người đang cố gắng bảo vệ sông Mê Kông có thể coi tuyên bố “quyền của những dòng sông” tại Ấn Độ và New Zealand như một mẫu hình cần học hỏi, mặc dù phạm vi quốc tế trải dài qua 6 lãnh thổ quốc gia khác nhau khiến trường hợp Mê Kông trở nên phức tạp. Do vậy, cơ hội duy nhất để đòi lại “quyền cho dòng sông” có lẽ là khi tất cả bốn quốc gia tham gia MRC (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) cùng đồng thuận ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Nguồn nước (UN Watercourses Convention). Cho đến nay, mới chỉ có Việt Nam thông qua công ước cho phép Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) giải quyết các tranh chấp và xung đột nghiêm trọng về nguồn nước này.
Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán rằng nếu tất cả các con đập dự kiến đều được xây dựng, ngành thủy sản Mê Kông, an ninh lương thực và nguồn dinh dưỡng sẽ bị tổn hại trầm trọng trong vòng 20 năm tới. Đó là mối lo ngại lớn đối với các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc như FAO, WFP, UNDP và UNEP. Khi MRC không thể hoàn thành được vai trò quản lý một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, có lẽ đã đến lúc các cơ quan UN phải can thiệp để đòi lại quyền cho dòng sông Mê Kông.
Đan Khuê/ Theo The Interpreter