BVR&MT – Xuất khẩu ngành lâm nghiệp đang có những bước tiến ngoạn mục. Để bảo vệ phát triển rừng bền vững, ngành lâm nghiệp đã có nhiều điều chỉnh về việc sử dụng đất rừng hợp lý hơn. Một trong những điều chỉnh đó liên quan đến chuyển đổi các dịch vụ về môi trường rừng.
Các sản phẩm lâm sản Việt Nam hiện được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt 7,81 tỷ USD, chiếm khoảng 86,6% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Về nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu, lũy kế 10 tháng năm 2019, khai thác rừng trồng tập trung khoảng 175.000 ha, sản lượng tương ứng là 16,55 triệu m3, đạt 85% kế hoạch năm 2019, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, khai thác gỗ cao su thanh lý và cây phân tán ước đạt sản lượng khoảng 8,3 triệu m3; trong đó sản lượng khai thác gỗ cao su thanh lý khoảng 4,3 triệu m3.
Những nguồn nguyên liệu từ rừng trồng đã đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Ngày 29/10, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2019, ngành lâm nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao xuất khẩu lâm sản đạt 10,5 tỷ USD.
Đến thời điểm này, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 9,041 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018. Xuất siêu lâm sản đạt 6,955 tỷ USD. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay lần đầu tiên trong tháng 10 có giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 1 tỷ USD.
Trong 2 tháng còn lại của năm, các hợp đồng xuất khẩu của 2019 đã hoàn tất. Cùng với số liệu thống kê của nhiều năm, đây cũng là thời điểm có giá trị xuất khẩu lâm sản đạt cao nhất.
Đối với các nước, đây là thời điểm nhập khẩu nhiều sản phẩm nội thất ngoài trời và trong nhà. Đây là những cơ sở để ngành có thể khẳng định năm 2019 kim ngạch xuất khẩu lâm sản có thể đạt 11 tỷ USD.
“Đây là con số rất ý với ngành lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác có liên quan như bảo vệ rừng, trồng rừng, chế biến, phát triển thị trường…”, ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Về tỉ lệ che phủ rừng, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2019 ngành được giao tăng 0,2% so với năm 2018, đạt 41,85%, tương đương diện tích rừng phải tăng thêm 66.000 ha so với năm 2018. Đây cũng là mục tiêu mà ngành dự kiến sẽ hoàn thành.
Về việc phát triển du lịch sinh thái từ rừng, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp mới ban hành có quy định rõ về vấn đề này. So với Luật năm 2004 thì đến nay đã có nhiều điều chỉnh cụ thể như việc thuê rừng sản xuất trước kia có thể lên đến 50 năm nhưng hiện nay chỉ còn 30 năm. Trong thuê dịch vụ môi trường rừng trước kia có thể lấy 5% diện tích đất để xây dựng làm du lịch theo yêu cầu kỹ thuật được ban hành nhưng hiện nay chỉ được phép dùng 3% tại các khu vực đất trống, không ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng.
“Tuy nhiên để việc thực thi luật được nghiêm minh hơn, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp sẽ có những rà soát lại các điểm thực hiện du lịch sinh thái và các đề xuất làm du lịch sinh thái của các địa phương để điều chỉnh phù hợp với Luật hiện hành”, ông Trị nhấn mạnh.