Phát triển kinh tế biển Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế: hiện trạng và tương lai

Tóm tắt – Việt Nam nằm ở phía Tây Biển Đông – có bờ biển dài khoảng 3260km, nằm trên đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, là con đường chiến lược về giao thương quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. nơi tập trung nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, chiếm tới một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới. Tiềm năng, thực tế đó đã và đang tạo nền tảng, cơ hội cho Việt Nam từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Kinh tế biển có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay thì kinh tế biển Hải Phòng càng giữ vai trò quan trọng và đem lại nhiều đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá, đảm bảo quốc phòng – an ninh, chủ quyền biển, đảo.

1. Đặt vấn đề

Hải Phòng là thành phố Cảng, là cửa chính ra biển của vùng châu thổ sông Hồng và các tỉnh phía Bắc, có tiềm năng đa dạng, phong phú để phát triển kinh tế biển, có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và miền Bắc, trong hợp tác hai hành lang – một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc và hội nhập với khu vực, quốc tế. Vùng biển và dải ven biển thành phố có vị trí đặc biệt về quốc phòng – an ninh. Trong những năm qua, kinh tế biển Hải Phòng đã đóng góp khoảng 30% vào GDP toàn thành phố, GDP kinh tế biển Hải Phòng cũng chiếm khoảng hơn 30% GDP kinh tế biển – ven biển cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ chung vùng ven biển cả nước. Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong 536 cảng biển của khu vực Đông Nam Á, đã từng bước khẳng định vị thế là một thương cảng lớn có công nghệ xếp dỡ hiện đại tiên tiến trong khu vực.

Cảng Hải Phòng – Thương cảng hiện đại trên biển Đông.

2. Thành tựu trong phát triển kinh tế biển Hải Phòng

a. Các hoạt động kinh tế biển

Kinh tế hàng hải:

Hệ thống cảng biển: Hiện nay, hệ thống cảng Hải Phòng là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, lớn thứ 2 ở Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, hệ thống cảng có chiều dài 42km với hơn 40 cảng và 69 cầu cảng, các chức năng khác nhau, như vận tải hàng dời, vật tư, sắt thép, container, chất hóa lỏng… Năm 2018, dự kiến việc đưa cụm cảng Lạch Huyện Cửa ngõ Quốc tế mới loại IA vào khai thác sẽ mang một tầm vóc mới cho cảng biển Hải Phòng.

Vận tải biển: Trong vòng 05 năm trở lại đây mức tăng trưởng tổng sản lượng thông qua cảng ước tăng trưởng bình quân 12,72%/năm, sức vươn của cảng Hải Phòng đã đóng góp nguồn lợi to lớn cho đất nước.

Các đơn vị làm vận tải biển đã chú trọng đầu tư phát triển đội tàu theo hướng trẻ hóa, chuyên môn hóa, phù hợp với yêu cầu của thị trường vận tải biển trong khu vực và quốc tế. Khu vực Hải Phòng có khoảng 600 tàu biển đăng ký hoạt động, chiếm 35,5% tổng số tàu đăng ký trong toàn quốc, với tổng số tấn trọng tải 2,76triệu DWT, chiếm 37% tổng trọng tải của đội tàu cả nước. Số lượng tàu đăng ký hoạt động và số tấn trọng tải tàu tăng cả về quy mô và chất lượng vận chuyển, nhiều tàu có trọng tải trên 56.000 DWT đã được đưa vào khai thác. Đội tàu biển tư nhân phát triển nhanh. Nhiều tuyến vấn tải đi các nước châu Âu, châu Mỹ, Úc… đã được mở ra, đặc biệt là tuyến vận tải hàng container, vận tải hàng khô đã góp phần đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi thẳng các nước như Mỹ, Châu Âu, châu Phi…

Công nghiệp đóng tàu: Tính đến năm 2016, toàn thành phố có 172 đơn vị tham gia đóng mới và sửa chữa tàu biển (bao gồm các đơn vị hoạt động đa ngành) tập trung tại các khu công nghiệp ven biển, trong đó có 8 doanh nghiệp Trung ương, 164 doanh nghiệp ngoài nhà nước với tổng số lao động tham gia là 9.300 người, trong đó lao động trong các doanh nghiệp Trung ương là 4,000 người.

Trình độ công nghệ của ngành công nghiệp đóng tàu đạt mức trung bình tiên tiến của thế giới. Các loại tàu đóng tại Hải Phòng khá đa dạng, hiện đại với nhiều chủng loại: Tàu hàng khô (từ 6.500 DWT đến 53.000 DWT), các tàu chuyên dụng (tàu lai dắt, tàu kéo, tàu đầy, tàu hoa tiếu, tàu nghiên cứu, tàu hút bùn), tàu chở dầu, tàu Container, tàu chở ô tô đến 150.000 DWT. Các sản phẩm nói trên đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đạt tiêu chuẩn và chất lượng đăng kiểm quốc tế. Các sản phẩm đóng tàu được xuất khẩu đến nhiều nước, gồm cả khách hàng Nhật Bản, Anh và Hà Lan.

Tỷ lệ “nội địa hóa” sản phẩm tàu đóng mới đạt tỷ lệ tương đối cao (ở mức 50-70%). Ngoài đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng và sửa chữa tàu cũng phát triển khá mạnh, như: Sơn tàu biển, sản phẩm vật liệu hàn, sản phẩm nội thất tàu thủy, sản phẩm cơ khí tàu thủy…

Kinh tế thủy sản:

Kinh tế thủy sản phát triển mạnh trên cả hai lĩnh vực nuôi trồng và khai thác. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao; năng lực khai thác thủy sản xa bờ đã được tăng cường. Số cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố chiếm 75% số lượng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, hệ thống kho lạnh chiếm 50% sức chứa các kho lạnh trong các cơ sở chế biến thủy sản ở miền Bắc, đưa Hải Phòng trở thành địa phương có năng lực chế biến thủy sản lớn nhất miền Bắc. Cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản được tập trung củng cố, mở rộng; các khu neo đậu tránh trú bão có tổ chức quản lý được xây dựng với trang thiết bị ngày càng hiện đại.

Năm 2016, GRDP lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành phố đạt 2.687,8 tỷ đồng, chiến 2,034% GRDP toàn thành phố và chiếm 30,8% tổng GRDP nhóm ngành nông, lâm, thủy sản; tăng 1,34 lần so với năm 2006. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 50,83 triệu USD.
Sản phẩm thủy sản thành phố Hải Phòng đã có mặt ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, EU, ASEAN,… tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 7,07%/năm, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành, trong đó: Giá trị khai thác thủy sản tăng 6,55%.năm, giá trị nuôi trồng và dịch vụ tăng 7,48%/năm, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo của thành phố.

Du lịch biển:

Giai đoạn 2006-2016, lượng khách du lịch đến Hải Phòng tăng bình quân 9,9%/năm, trong đó lượng khách quốc tế tăng 3,3%/năm; năm 2017 Hải Phòng đón 6,7 triệu khách du lịch. Doanh thu du lịch biển chiếm hơn 48% doanh thu của toàn ngành du lịch. Nhiều dự án đầu tư phát triển đã được triển khai như: Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, Khu nghỉ dưỡng FLC Cát Bà với sự tham gia đầu tư của các tập đoàn FLC, SunGroup… Như vậy, trong những năm qua du lịch biển của Hải Phòng đã đạt được những thành công đáng khích lệ, đã tích cực khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của thành phố. Tuy nhiên, du lịch biển tại Hải Phòng còn nhiều hạn chế như: Doanh thu du lịch biển chưa tương xứng với lợi thế, chưa có cảng chuyên biệt cho tàu du lịch, tàu có trọng tải lớn. Cơ sở hạ tầng vật chất của cầu cảng chưa được đầu tư đúng mức, dịch vụ tại cảng còn hạn chế không đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn du khách, các khu dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí chưa quy hoạch thống nhất, thiếu quy hoạch các điểm neo đậu tàu, thuyền trên biển,…

b. Cơ sở hạ tầng

Kết cấu hạ tầng kinh tế biển:

Dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng kết nối Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội sau hơn 3 năm triển khai xây dựng đã được thông xe vào ngày 02/9/2018. Cầu Bạch Đằng có vai trò quan trọng trong việc kết nối 3 sân bay chính của khu vực Đồng bằng Bắc bộ gồm: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Sân bay Cát Bi và Sân bay Vân Đồn sắp được đưa vào xây dựng.

Về xây dựng sân bay: Trên cơ sở quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hải Phòng đã phê duyệt dự án mở rộng khu bay; nhà ga Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 01/2017. Đối với Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại Tiên Lãng, thành phố đang tích cực chỉ đạo triển khai các thủ tục thực hiện Dự án quai đê lấn biển Tiên Lãng để chuẩn bị diều kiện cơ sở hạ tầng cho dự án cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

Về đường bộ ven biển: Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Đình Vũ – Cát Hải từ tháng 9/2017, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ tháng 12/2015. Bên cạnh đó, đã cơ bản hoàn thành Dự án cải tạo nâng cấp đường 356 (đoạn 2A) xuyên đảo Đình Vũ phục vụ cho hàng hóa ra vào cảng được thuận tiện. Đã khởi công xây dựng Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố và 9 km trên địa phận tỉnh Thái Bình. Tiếp tục nâng cấp tuyến đường xuyên đảo Hải Phòng – Cát Bà.

Thành phố cũng tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế biển khác như: Hạ tầng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải tạo ra những bước đột phá về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo động lực thúc đẩy đầu tư từ khu vực trong nước; việc đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch biển tiếp tục có những chuyến biến rõ rệt, đóng góp quan trọng vào thay đổi diện mạo ngành du lịch của thành phố. Đã quan tâm đầu tư cho nhiều công trình hạ tầng thủy sản, đặc biệt là các dự án về xây dựng khu hậu cần dịch vụ nghề cá tại Trân Châu, Cát Bà và các khu neo đậu, tránh trú bão tại Bạch Long Vỹ, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Thủy Nguyên…

Các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển:

Trên địa bàn hiện có 16 dự án Khu công nghiệp với tổng diện tích 5.695ha được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tăng thêm 5 dự án khu công nghiệp (với diện tích 1.760ha) so với năm 2011, trong đó có 10 dự án KCN đi vào hoạt động. Trong đó, có Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, Khu CN Nam Đình Vũ, các dự án phát triển dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí như: Khu vui chơi, giải trí nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, Khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu (5.300 tỷ đồng)…

Hiện nay, các khu công nghiệp, kinh tế đã được đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn liền với công trình xử lý chất thải theo hướng phát triển bền vững, tập trung lượng vốn lớn, thu hút đầu tư, công nghệ; đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu, phát triển kinh tế biển, mở rộng liên kết vùng, các tỉnh Nam và Tây nam Trung Quốc… Đến năm 2017, thu hút FDI đạt 11,4 tỷ USD với 242 dự án; trong đó Nhật Bản đứng đầu về số lượng, Hàn Quốc đứng đầu về vốn và quy mô dự án.

Việc hình thành các khu công nghiệp, đô thị ven biển cùng nhiều dự án với quy mô đầu tư lớn, có ý nghĩa không chỉ là trọng điểm trong việc phát triển không gian đô thị của Hải Phòng, mà còn mang tầm chiến lược cấp vùng và quốc gia; sẽ thu hút lao động, làm dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang nhóm ngành công nghiệp – dịch vụ (đặc biệt là cảng biển, công nghiệp cao, du lịch biển), tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố.

c. Môi trường biển và ven biển

Hiện nay, Hải Phòng đã phê duyệt 59 Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu cảng biển, cho phép 04 đơn vị tổ chức hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố.

Công tác quản lý bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững các hệ sinh thái biển tại khu vực quần đảo Cát Bà, Bạch Long Vỹ luôn được quan tâm, chú trọng: lồng công tác bảo vệ môi trường vào kế hoạch hành động về đa dạng sinh học thành phố đến 2020, tầm nhìn 2030; phê duyệt các quy hoạch bảo tồn và phát triển du lịch, kiện toàn bộ máy vườn Quốc gia Cát Bà, thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ, lập hồ sơ đề cử Khu bảo tồn biển Quốc gia Bạch Long Vỹ là vườn di sản ASEAN…

Huyện đảo Cát Hải: Theo Quyết định số 3044/QĐ-UBND ngày 29/12/2005, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tới năm 2020 đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại Chiến lược biển. Du lịch biển đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về cơ sở vật chất và lượng khách. Năm 2017, toàn huyện có 180 khách sạn và nhà nghỉ với tổng số 2.800 phòng nghỉ và 5.129 giường nghỉ, đón lượt khách du lịch thứ 2 triệu. Đặc biệt, đã khởi công xây dựng nhà máy ô tô Vinfast của tập đoàn Vingroup với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ: Cơ cấu kinh tế được xác định là: Dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, theo mô hình trung tâm dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển.Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản ước đạt 9,14 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 33,45 tỷ đồng, nhóm ngành dịch vụ ước đạt 109,81 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,24 triệu đồng/người/tháng.

Đối với các khu vực khác: Quy hoạch kinh tế-xã hội các quận, huyện ven biển đã được phê duyệt và đang được triển khai thực hiện. Hải Phòng đã thực hiện việc tạm giao quản lý hành chính trên biển; chỉ đạo việc lập quy hoạch chi tiết sử dụng các vùng biển ven bờ phục vụ giao khu vực biển sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế biển.

3. Hạn chế trong phát triển kinh tế biển Hải Phòng

Công tác lập, xây dựng và phê duyệt các quy hoạch có liên quan đến phát triển kinh tế biển nhìn chung còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Hệ thống cơ sở, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế biển do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm, nhiều công trình gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại nên còn hạn chế trong thu hút từ các thành phần kinh tế. Một số tập đoàn kinh tế lớn trong nước (Vinalines, Vinashin) thất bại trong kế hoạch phát triển khiến kinh tế hàng hải bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đầu tư cho khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế biển còn rất khiêm tốn cả về số và chất lượng. Thiếu đề xuất các cơ chế khuyến khích đầu tư, huy động, tập trung nguồn lực.

Công tác phối hợp trong quản lý tổng hợp về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo còn hạn chế về dữ liệu, thông tin, thiếu hệ thống, chưa thường xuyên và thống nhất.

Liên kết vùng, ngành trong phát triển du lịch biển còn lỏng lẻo, kém hiệu quả.Hợp tác quốc tế về biển có nhiều chuyển biến song chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức.

4. Đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục phát triển kinh tế biển Hải Phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế

(1) Tăng cường tuyên truyền nhận thức về vị trí, vai trò của biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển.

(2) Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế về biển.

(3) Chú trọng công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đô thị xanh, không gian hướng biển phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế biển.

(4) Hoàn thiện môi trường đầu tư, huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế biển.

(5) Chú trọng đầu tư, phát triển khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế biển.

(6) Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế biển.

(7) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế biển.

(8) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

5. Kết luận

Hải Phòng đang từng bước xây dựng và phát triển thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính vươn biển của các tỉnh phía Bắc; từng bước trở thành một Trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam…, là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế biển, đảo; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trong xu thế hội nhập, kinh tế hàng hải của Hải Phòng cần tập trung phát triển nhanh, toàn diện hệ thống đội tàu, dịch vụ cảng và logistics đồng bộ với hệ thống cảng và công nghiệp đóng, sửa chữa tàu theo hướng hiện đại trên cơ sở huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tạo tiền đề vươn ra đại dương. Đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô các ngành kinh tế biển truyền thống, thành phố chủ trương xây dựng nền kinh tế biển xanh, tập trung mở rộng không gian thành phố về phía biển. Chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về biển thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý biển. Khuyến khích các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế có uy tín trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực xây dựng, khai thác, sử dụng và phát triển kinh tế biển, đảo;… Bên cạnh đó, chú trọng bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển; phòng, chống thiên tai, ứng phó tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2010). Chiến lược biển Việt Nam: Từ quan điển đến thực tiễn. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Báo cáo tổng hợp Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hải Phòng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

3. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng (2012). Báo cáo tổng kết công tác quản lý hoạt động hàng hải năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 tại khu vực cảng biển Hải Phòng.

4. PGS.TS Nguyễn Văn Cư (2010). Khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo ở nước ta. Tham luận tại Hội nghị Khoa học và công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo, Đồ Sơn, Hải Phòng.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

6. Chu Dức Dũng (2011). Chiến lược phát triển kinh tế Biển Đông của một số nước Đông Á – Tác động và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Đề tài Nhà nước.

7. Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND ngày 06/05/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

8. Nghị quyết số 20/2015/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh thành phố 5 năm (2016-2020).

9. Nghị quyết số 25/2015/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng về việc thông qua Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030.

10. Niên giám thống kê Hải Phòng các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016.

11. OECD (2016). The Ocean Economy in 2030.

12. Phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam – Ban Tuyên giáo Trung ương 232tr.

13. Quyết định số 1274/ QĐ-UBND ngày 02/8/2010 của UBND thành phố Hải Phòng về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển kinh tế biển thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2020.


Trần Tuấn Sơn
Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo
Đỗ Diệu LinhKhoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường HN