BVR&MT – Những ngày qua, ảnh hưởng của cơn bão số 1, tỉnh Cà Mau có mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao khiến cho nhiều diện tích dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán của người dân bị chìm trong “biển nước”.
Đau lòng mùa dưa Tết
Trong 2 ngày 3 và 4/1, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã làm cho nhiều diện tích trồng dưa của người dân ở xã Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chìm sâu từ 40-50cm trong nước.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, xã Lý Văn Lâm trong nhiều năm qua luôn được coi là nơi cung ứng dưa hấu chủ lực cho thị trường Tết Nguyên đán lớn nhất của tỉnh Cà Mau. Nhưng, mùa dưa năm nay, người dân đang đứng trước nguy cơ “trắng tay” khi hàng chục hécta dưa hấu chuẩn bị thu hoạch phục vụ Tết đã bị chìm trong “biển nước”.
Trong vụ dưa hấu tết năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, lượng mưa nhiều nhưng với kinh nghiệm nhiều năm canh tác, nông dân nơi đây cơ bản đã khắc phục được những yếu tố bất lợi để vươn lên sản xuất. Thế nhưng, suốt nhiều đêm liền, bà con nông dân dùng sức bơm nước cứu ruộng dưa nhưng nước vẫn tràn ngập cả cánh đồng.
Để phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, gia đình ông Huỳnh Tấn Liệp (ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) xuống giống cho 0,5ha ruộng dưa của gia đình. Thế nhưng, chỉ sau 1 đêm, ruộng dưa của ông gần như bị chìm trong “biển nước”.
“Sau 2 ngày nỗ lực be (đắp – PV) bờ, tát nước với 2 máy bơm được gia đình trang bị để bơm nước ra, thì bất ngờ bờ bao bị vỡ. Mấy anh em tôi xúm lại be bờ, tát nước ra nhưng… tát hết nổi rồi”, ông Liệp nói trong nước mắt.
Ông Huỳnh Tấn Liệp chia sẻ thêm: “Gia đình đã bất lực hoàn toàn trong việc cứu ruộng dưa. Gia đình tôi đã hy vọng rất nhiều để có một cái Tết no đủ, nhưng giờ đây, vụ dưa đã mất trắng hoàn toàn. Vụ dưa năm nay, gia đình tôi đã đầu tư gần 40 triệu đồng để sản xuất. Trong đó, hầu hết các chi phí đều mua nợ từ đại lý. Tình trạng như thế này, gia đình cũng không biết xoay sở thế nào để trả lại cho đại lý ”.
Đứng nhìn ruộng dưa giờ đây chỉ toàn mênh mông nước, hộ ông Trương Văn Đoàn (ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm) cho biết, cũng như mọi năm, bắt đầu vụ dưa Tết với kỳ vọng sẽ có thu nhập từ 50-70 triệu đồng từ 0,3ha diện tích. Gia đình ông bỏ vốn cho vụ dưa năm nay khoảng 25 triệu đồng.
“Dù ra sức bơm, tát nước nhưng với việc bờ bao bị vỡ đã “nhấn chìm” luôn hy vọng cứu vãn vụ dưa Tết năm nay của gia đình tôi. Trước hoàn cảnh như vậy, vợ tôi sáng nay đã không dám ra xem ruộng dưa như thường ngày nữa vì nhìn thấy ruộng dưa thêm đau lòng. Chắc vợ chồng tôi phải đi làm mướn để trả khoản nợ đã đầu tư vào vụ dưa, nhưng hiện tại cũng chưa biết phải đi làm mướn ở đâu khi Tết cũng đã đến gần”, ông Trương Văn Đoàn buồn bã nói.
Năng suất giảm gần nửa
Gần 4 năm trồng dưa hấu, năm nào ruộng dưa của gia đình bà Cao Mỹ Hiền cũng được xem là đứng đầu xã cả về chất lượng và năng suất. Bởi, với 1,4ha đất trồng dưa, bình quân hàng năm gia đình bà Hiền đều thu lãi trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vụ dưa Tết này, bà Hiền cũng chỉ dám hy vọng năng suất được 30% so với vụ dưa Tết năm trước đã là may mắn.
Theo bà Hiền, gia đình bà may mắn hơn nhiều hộ trên địa bàn xã Lý Văn Lâm là ruộng dưa của bà không bị vỡ bờ bao. Cùng với đó, gia đình đã huy động được 4 máy bơm và bơm tháo nước liên tục trong suốt 2 ngày đêm vừa qua để bảo vệ ruộng dưa. Thế nhưng, năng suất dưa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần vì dây dưa bị đứt gốc, phần vì trái dưa vừa phát triển được 10 ngày cũng sẽ không thể lớn thêm hoặc bị thối.
Theo thống kê ban đầu từ hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, trong 68ha diện tích trồng dưa trên địa bàn xã (trong đó có 21ha diện tích dưa được trồng theo mô hình VietGAP) hiện có 4ha diện tích bị mất trắng, 64ha diện tích còn lại bị thiệt hại từ 50% trở lên.
Ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau cho biết, bình quân hàng năm, mỗi hécta diện tích trồng dưa của bà con nơi đây sẽ cho năng suất từ 30-40 tấn. Thế nhưng, trước tình trạng hiện nay, năng suất sẽ chỉ còn từ 20-25 tấn.
“Trên địa bàn xã Lý Văn Lâm hiện có 2 trạm bơm luôn hoạt động hết công suất để tháo nước trong các kênh nội đồng ra ngoài. Trước mắt, ngành chức năng địa phương sẽ vận động bà con nông dân nên tích cực bơm tháo nước với hy vọng “còn nước, còn tát”. Ngoài ra, chúng tôi sẽ sát cánh cùng bà con nông dân trong việc khắc phục phần nào năng suất, cách phòng trừ… Bởi sau khi dưa bị ngập úng sẽ diễn ra tình trạng ngộ độc phân và dịch bệnh”, ông Mạc Ngọc Truyền chia sẻ.
Hiện, chính quyền địa phương xã Lý Văn Lâm (TP.Cà Mau) đang rà soát thiệt hại cụ thể để làm báo cáo trình lên UBND TP.Cà Mau nhằm hỗ trợ, giúp bà con bị thiệt hại nặng có thể tái sản xuất vào vụ mùa sau tết.
Theo thống kê ban đầu, cơn bão số 1 đã làm tốc mái 10 căn nhà, sập 2 căn nhà, hơn 600ha lúa của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh bị hư hại. Bên cạnh đó, bão số 1 còn làm hư hỏng 2 lồng bè, chìm 10 vỏ máy neo đậu phục vụ nuôi cá bớp của người dân trên đảo Hòn Chuối. Ngoài ra, làm chìm 1 tàu cá nhưng đã được cứu vớt an toàn. Ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. |