BVR&MT – Năng lượng tái tạo ngày càng được quan tâm nhiều tại châu Á do lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng và môi trường cũng như nhu cầu phân phối điện năng đến các vùng thiếu năng lượng. Tuy nhiên, ngoài đóng góp về khía cạnh phát triển bền vững, vẫn còn nhiều dấu hỏi đặt ra về việc liệu phát triển năng lượng tái tạo có góp phần hình thành cơ cấu năng lượng đảm bảo công bằng xã hội hơn hay không và những yếu tố nào thúc đẩy hay cản trở sự chấp thuận về mặt chính trị đối với việc phát triển năng lượng tái tạo? Nghiên cứu của Viện Friedrich Ebert mang tên “Chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng xã hội và kinh tế tại châu Á” đã giải đáp cặn kẽ câu hỏi này với khẳng định năng lượng tái tạo có thể giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm và biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng hệ thống điện năng công bằng và bình đẳng hơn.
Nghiên cứu được thực hiện độc lập vào năm 2017 tại 8 quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, khía cạnh “công bằng” được diễn giải theo nhiều khía cạnh đóng góp của năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển dịch.
Trước tiên, việc chuyển dịch sẽ góp phần cung cấp điện năng cho tất cả mọi người, bao gồm khu vực nông thôn. Hiện vẫn còn hàng triệu người tại nông thôn không thể tiếp cận điện năng hoặc tiếp cận không liên tục. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cũng mang lại cơ hội cho các ngành và các công ty năng lượng mới gia nhập các thị trường vốn bị thống trị bởi nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân và thủy điện. Ngoài ra, việc giảm mức độ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch cũng giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí và đóng góp vào các hoạt động giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra nhiều việc làm trong ngành năng lượng tái tạo. Đặc biệt, xét về chi phí thực tế, giá phải trả cho nhiên liệu hóa thạch sẽ cao hơn năng lượng tái tạo rất nhiều nếu tính cả các chi phí liên quan đến nhiên liệu hóa thạch như chi phí khám chữa bệnh, điều trị ung thư, giảm tuổi thọ, giảm thời gian lao động, thiệt hại mùa màng…
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp thiết thực, cũng có một số quan ngại đối với công cuộc chuyển dịch năng lượng, trong đó nội dung được quan tâm hơn cả là công việc của các nhóm lao động sẽ bị ảnh hưởng, nhiều lao động có thể bị mất việc. Vì vậy, Nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia cần xây dựng các chương trình đào tạo các kỹ năng phục vụ cho việc làm mới cho người lao động. Mặt khác, quá trình chuyển dịch năng lượng là một quá trình dài, do vậy đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên, đặc biệt là các cơ quan nhà nước và các tổ chức công đoàn.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng” vừa được Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận nhiều về những thách thức đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch đối với người lao động cũng như tiêu chí cho việc chuyển dịch công bằng, cách thức để các tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội đóng góp vào sự chuyển dịch công bằng trong lĩnh vực năng lượng? Song song với đó, các đại biểu cũng chia sẻ những bài học và kinh nghiệm chuyển dịch công bằng ở một số quốc gia châu Á, qua đó thúc đẩy hợp tác, xây dựng chiến lược nhằm đạt được sự chuyển dịch công bằng năng lượng tái tạo tại khu vực có nhiều triển vọng phát triển này.
Phạm Huyền