Dám nghĩ, dám làm với mô hình nông nghiệp hữu cơ

BVR&MT – Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mang tính bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn đó, ngành nông nghiệp của huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội đã có những bước phát triển mới, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã ra đời.

Anh Nguyễn Bá Cường với mô hình trồng cây ăn quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Phóng viên  Bảo vệ Rừng và Môi trường  tìm đến nhà anh Nguyễn Bá Cường (thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang) để tìm hiểu về mô hình nông nghiệp hữu cơ mà gia đình anh đang thực hiện. Đây là một trong những hộ gia đình tiên phong về thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Xem thêm:

Nghị định mới về nông nghiệp hữu cơ

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho thu nhập cao

Gia đình anh Cường bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ đầu năm 2016 cho đến nay với tổng diện tích là 01 mẫu (3600m2). Các sản phẩm từ mô hình này của gia đình anh gồm cà chua, dưa chuột, ổi, bưởi và các loại rau theo mùa.

Một thanh niên dám nghĩ dám làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Anh Cường cho biết: “Khi quyết định theo mô hình này, gia đình chúng tôi cũng đã có sẵn đất. Mô hình này lại là mô hình mới ở địa phương, rất ít nhà làm. Gia đình tôi cũng là gia đình thuần nông, có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ trên địa bàn huyện cũng rất ít” .

Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh, gia đình anh cũng gặp một số khó khăn như thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tạo đất, đầu tư vật tư, cây trồng. Ngoài ra, khi thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ, gia đình anh cũng chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía hợp tác xã hay phòng nông nghiệp huyện mà chủ yếu là gia đình tự học hỏi qua Internet, tham khảo một số mô hình nông nghiệp hữu cơ ở các huyện khác.


Hiện tại, gia đình anh chủ yếu bán sản phẩm trên địa bàn huyện Quốc Oai, một số địa điểm tại trung tâm thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn chưa có chứng nhận an toàn. Đây cũng là điểm yếu khiến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của gia đình chưa thể tiến tới các thị trường lớn hơn. Anh Cường cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, muốn phát triển bền vững, sản phẩm của mình có thể đưa ra thị trường lớn thì phải có chứng nhận. Khoảng cuối năm nay, gia đình tôi sẽ làm hồ sơ để xin chứng nhận an toàn”.

Có thể thấy rằng, mô hình nông nghiệp hữu cơ ở huyện Quốc Oai vẫn còn mới. Do vậy, các hộ nông dân triển khai mô hình này với quy mô vừa và nhỏ vẫn chưa được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức từ phía hợp tác xã, phòng nông nghiệp huyện. Người nông dân vẫn thiếu một số hiểu biết quan trọng để khẳng định giá trị sản phẩm của mình trên thị trường.

Khi được hỏi về việc gia đình có quan tâm đến những nghị định của chính phủ về nông nghiệp hữu cơ hay không, anh Cường cho biết: “Tôi có biết đến Nghị định 109 của chính phủ và đặc biệt quan tâm đế các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước. Trong đó, tôi quan tâm với việc nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí cấp giấy Chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho hộ gia đình như chúng tôi”.

Anh cũng cho biết thêm, chính sách hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng là chính sách anh rất quan tâm. Bởi, với mục tiêu nhân rộng mô hình của gia đình lên 1ha thì những chính sách của nhà nước sẽ giúp ích cho mô hình của gia đình anh rất nhiều.

Anh Cường thông tin thêm: Nghị định số: 109 của Chính phủ có rất nhiều thông tin hữu ích cho người dân về chứng nhận sản phẩm, dán nhãn logo, kiểm tra chất lượng sản phẩm NNHC. Anh cùng gia đình đang khá mong chờ ngày NĐ chính thức thi hành để các hộ gia đình làm nông nghiệp hữu cơ như gia đình anh có thể phát triển tốt hơn.

Những người trẻ dám nghĩ dám làm nông nghiệp hữu cơ phần nào đã khẳng định được tính đúng đắn từ chủ trương, chính sách của nhà nước về kế hoạch phát triển nền kinh tế sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang tính bền vững.

Hải Lê – Văn Trì