BVR&MT – Nhờ những chính sách đang còn hiệu lực hiện nay mà nhiều nơi trên cả nước người dân đã biết giữ rừng, phát triển rừng để đem lại nguồn thu nhập cho gia đình. Đầu năm 2019 Luật Lâm nghiệp “đi vào thực tế” và đang được người dân và các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng…
Xem thêm:
Hướng đi nào cho ngành Lâm nghiệp nước ta: (Kỳ 1) – Cải thiện sinh kế người dân nhờ rừng
“Lấy con người làm trung tâm của phát triển”
Các Báo cáo hiện nay ở nước ta về cơ bản đều đề cập tới 4 nguyên nhân chính gây mất rừng hiện nay là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, điều; nuôi trồng thủy sản… nguyên nhân này chiếm khoảng 20%. Do khai thác quá mức cho phép chiếm khoảng 50%. Do du canh, du cư, canh tác nương rẫy và nghèo đói chiếm khoảng trên 20%. Do cháy rừng, thiên tai, rủi ro chiếm khoảng 10%.
Như vậy, mặc dù chưa có số liệu riêng về mất rừng do nguyên nhân sinh kế nghèo đói, nhưng nhìn vào những nguyên nhân trên có thể thấy rằng hầu hết đều có liên quan đến sinh kế. Chẳng hạn, chuyển đổi rừng, đất rừng sang canh tác nông nghiệp hay trồng cây cao su, hay du canh, du cư, canh tác nương rẫy, cháy rừng đều có liên hệ với sinh kế. Vì vậy, có thể thấy rằng, việc cải thiện sinh kế có vai trò rất quan trọng cho bảo vệ và phát triển rừng.
Trên quy mô cả nước, hiện có khoảng 25 triệu người dân có sinh kế liên quan đến rừng (khoảng 27% dân số), trong đó có xấp xỉ 3 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số, với diện tích đất canh tác ít ỏi (0,1 ha/người). Vì vậy, một mặt rừng là nguồn sinh kế quan trọng đối với người dân; mặt khác, nếu có nguồn sinh kế bổ sung hoặc thay thế, sức ép của người dân vào rừng sẽ giảm.
Bất cập giữa chính sách và thực tiễn là nguy cơ mất rừng tự nhiên chưa chấm dứt, sinh kế của một bộ phận người dân chưa được cải thiện đáng kể. Chuyển đổi rừng nghèo, đất mất rừng sang trồng cây công nghiệp trong quá khứ đã làm mất rừng trong khi không giải quyết tốt sinh kế cho người dân. Trong tương lai chỉ nên khuyến khích chuyển đổi rừng nghèo thành rừng sinh kế.
Trao đổi với phóng viên, Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) – cho biết: “Để giải quyết được sinh kế cho người dân cần tập trung vào nhóm nghèo và những nhóm dễ bị tổn thương có thể mở rộng các lựa chọn bằng cách phát triển tài sản sinh kế, chẳng hạn bằng giáo dục và đào tạo. Sinh kế bền vững nhấn mạnh vào sự cân bằng giữa thế hệ hiện tại và tương lai, tức là vào lợi ích của con người hiện tại và tương lai; nhấn mạnh vào mục tiêu là lợi ích con người được bảo vệ qua các thế hệ.
Tiếp cận sinh kế lấy con người làm trung tâm của phát triển. Nhu cầu của con người là căn cứ hàng đầu để đề ra chính sách. Phân loại hộ gia đình theo tài sản sinh kế là điểm khởi đầu của chính sách và sinh kế bền vững. Trong nhiều trường hợp, rừng là nhân tố cấu thành tài sản sinh kế của người này, nhưng không phải của người khác. Đối với nhiều người, rừng là nhân tố nội tại bên trong, không phải là nhân tố bên ngoài. Nếu rừng là nhân tố bên ngoài sẽ khó giữ hơn, và vì vậy nhà nước nên trao quyền nhiều hơn cho họ”.
Tập trung vào những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Đã đưa ra khái niệm an ninh sinh kế hộ gia đình, tập trung vào tăng cường năng lực cho người nghèo…Và cần trả lời hàng loạt những câu hỏi như làm thế nào cải thiện sự tiếp cận, phát triển của người nghèo đối với hàng hóa và dịch vụ từ rừng? làm thế nào cải thiện nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm được phát triển bởi người nghèo? làm thế nào cải thiện các khung chính sách lớn để tham gia của lâm nghiệp tốt hơn cho sinh kế bền vững?…
Kỳ vọng ở Luật Lâm nghiệp
Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019. Có thể nói rằng, lần đầu tiên ở Việt Nam có một bộ luật giải quyết khá tốt quyền tiếp cận và hưởng lợi từ rừng, qua đó có triển vọng mở đường và tạo niềm tin chính sách cho việc gắn kết cải thiện sinh kế với bảo vệ và pháp triển rừng.
“Có thể tóm tắt một số nét chính như sau; Đưa ra khái niệm đúng đắn về chủ rừng. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật (Điều 2); Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư (Điều 3); Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (Điều 4);…
Nhà nước đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng; Vấn đề sở hữu rừng (Điều 2) và chủ rừng (Điều 8) là khá rõ ràng.
Mặc dù Nhà nước là đại diện chủ sở hữu rừng tự nhiên (Điều 7), nhưng vẫn có thể giao cho các chủ thể khác để họ có vai trò là chủ rừng (Chương 3 – Quản lý rừng). Các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ rừng là khá rõ ràng và đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn – Chương 8)” – Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) điểm lại một số nội dung nổi bật của Luật Lâm nghiệp liên quan đến sinh kế của người dân.
Còn Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: “Luật Lâm nghiệp mới đã kế thừa những thành tựu của 30 năm đổi mới, tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp phát triển, diện tích rừng tăng, kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng”.
Trong thực thi Luật lâm nghiệp nhằm giúp người dân, cộng đồng địa phương cải thiện sinh kế gắn với hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; cần tạo điều kiện để rừng trở thành một phần trong “tài sản sinh kế” của người dân và cộng đồng. Điều này là rất quan trọng cho việc hình thành “chủ đích thực” để đem lại “lợi ích thiết thực”; lấy người nghèo, vùng nghèo làm trung tâm hướng đến của chính sách cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng.
Thêm nữa, lấy sự cân bằng giữa cải thiện sinh kế với bảo vệ, phát triển tài sản rừng là thước đo hiệu quả của chính sách lâm nghiệp; quá trình xã hội hóa lâm nghiệp cần đặt niềm tin vào lực lượng cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp để hoạch định chính sách theo mô hình “2 tăng, 1 giảm”, tức là tăng tài sản sinh kế cho người dân, tăng tài sản rừng và giảm ngân sách nhà nước; Cần tham vấn đầy đủ ý kiến của người hưởng lợi hoặc người chịu tác động của chính sách, đặc biệt là những chính sách có liên quan đến nguồn tài chính quốc tế, như REDD+…
Ông Briu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) cho biết: “Hiện nay Quốc hội đã thông qua Luật lập nghiệp và sắp tới có hiệu lực tôi cho rằng tương đối kịp thời mặc dù hơi chậm so với thực tế phá rừng của Việt Nam. Mong rằng chính phủ, Bộ, ngành, tỉnh sớm triển khai Luật này, đặc biệt trong đó chúng ta giao rừng cho cộng đồng làm, văn hóa giữ rừng, văn hóa làng làng của người miền núi nói chung trong đó có người Cơ Tu ở Tây Giang chúng tôi vốn rừng là của cộng đồng, cho nên chúng ta xa rời văn hóa và xa rời thực tế đó thì quản lý của nhà nước không thể nào bằng người dân được. Vì vậy Luật Lâm nghiệp cần triển khai sớm, đồng thời xem rừng là của người dân, các ngành chức năng như kiểm lâm, huyện, xã đứng bên ngoài giúp dân, còn người giữ rừng, quản lý rừng, tổ chức khai thác những lâm sản phụ trong đó chính là người dân, làm được cái đó chắc chắn rừng chúng ta sẽ giữ được”. |
Đình Tưởng – Văn Hoàng