Khai thác cát trên thượng nguồn Mê Kông ảnh hưởng tới các nước hạ nguồn
BVR&MT – Cát ở đáy sông Mê Kông – còn được gọi với tên Lan Thương khi chảy qua địa phận Trung Quốc – là tài nguyên chính cho hoạt động thương mại, khai thác cát tại một thị trấn nhỏ của cảng Tư Mao, tỉnh Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc. Tổng lượng cát khai thác tại vùng này mỗi ngày có thể lên tới 5.000 m3 cát.
Cát, sỏi trở thành hai nguyên liệu thô được sử dụng nhiều nhất trên thế giới sau nước. Chúng ta cần khoảng 200 tấn cát để xây dựng một ngôi nhà cỡ trung bình và tới 30.000 tấn để xây dựng một km đường cao tốc. Cát là tài nguyên hữu hạn, tuy nhiên lại ít được chú ý nhất.
Với thông tin ít ỏi về việc sử dụng tài nguyên cát, chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính khối lượng tiêu thụ cát, sỏi của thế giới khoảng hơn 40 tỉ tấn mỗi năm – gấp đôi lượng cát sỏi mà các con sông trên thế giới vận chuyển hàng năm. Vì phải mất hàng nghìn năm để hình thành nên tốc độ khai thác và sử dụng hiện nay đang vượt quá tốc độ phục hồi của cát sỏi trong các lòng sông.
Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu về tài nguyên cát lớn nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Economist Intelligence (Anh), từ năm 2000 đến năm 2010, Trung Quốc đã xây dựng số lượng công trình bằng tổng số lượng nhà ở của Nhật Bản hiện tại. Viêc xây dựng không kiểm soát đã ảnh hưởng xấu đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên như tài nguyên cát. Với tốc độ xây dựng như hiện nay, “Trung Quốc có thể xây dựng được một thành phố cỡ thành Rome chỉ trong vòng 2 tuần”. Còn theo thông tin từ Liên hợp quốc, từ năm 1994 đến năm 2012, nhu cầu xi măng của Trung Quốc tăng 400% với nguyên liệu chính từ cát sông, có nguồn gốc từ cát sa mạc bị xói mòn.
Sau khi được nạo vét, một số lượng cát khai thác trên sông Lan Thương được sử dụng trong các công trình địa phương, số còn lại được chuyển đến Cảnh Hồng gần biên giới Lào – Myanmar để đáp ứng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây.
Hoạt động nạo vét cát này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái dưới nước. Theo kỹ sư Hoàng Đạo Minh (Viện Địa chất Thủy văn, Học viện Khoa học Vũ Hán), việc nạo vét cát sẽ làm thay đổi cấu trúc và diện mạo của con sông. Không những gây xói mòn bờ sông, cạn kiệt cát lòng sông mà còn đe dọa các quần thể cá dưới sông.
Không những thế, hàng nghìn loài cá trên sông Mê Kông đã thích nghi với hệ sinh thái này sẽ bị tác động, có thể dẫn đến tuyệt chủng toàn bộ các loài. Nếu các loài cá vẫn có thể sống sót sau những lần nạo vét thì trứng của chúng chìm trong cát vẫn sẽ bị tiêu diệt. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận việc nạo vét cát sông làm suy giảm các quần thể cá và đa dạng sinh học dưới nước.
Theo ông Pascal Peduzzi, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về khai thác cát cho biết, mặc dù hoạt động nạo vét cát sông có ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái dưới sông nhưng những nhà làm chính sách trên khắp thế giới lại làm ngơ và hầu như không hề công khai vấn đề này trước dư luận.
Do nhu cầu thế giới về xây dựng, tài nguyên cát ở các nước Đông Nam Á đã bị khai thác cạn kiệt. Tại Indonesia, hàng loạt các đảo đã biến mất trước khi lệnh cấm xuất khẩu cát được ban hành. Việt Nam và Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát. Tại Campuchia, khối lượng cát sông trị giá 750 triệu USD đã được xuất khẩu sang Singapore trong vòng 8 năm qua, tuy nhiên, hiện lệnh cấm xuất khẩu cát đã được ban hành.
Mặc dù các hoạt động nạo vét cát sông ảnh hưởng xấu đến nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có chung các con sông như sông Mê Kông (chảy qua Trung Quốc, Myanma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) nhưng hiện nay chưa có quy đinh quốc tế cụ thể nào về việc khai thác tài nguyên cát sông.
Tại Trung Quốc, hoạt động khai thác cát hầu như được sự cho phép của cơ quan chức năng tỉnh. Tuy nhiên, tại khu vực kéo dài của sông Mê Kông tại tỉnh Vân Nam, chính quyền tỉnh đã ban hành lệnh cấm khai thác cát cát tại một số điểm nóng về sinh thái có đa dạng sinh học cao. Thực tế, khai thác cát sông chỉ bị cấm tại khu vực phía trên và dưới cảng Tư Mao, chứ không phải toàn bộ khu vực xung quanh thị trấn.
Hiện nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể nào về mức độ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự sống các quần thể cá dưới sông của các hoạt động khai thác cát tại tỉnh Vân Nam. Tuy nhiên, sự mất đi hoàn toàn lượng cát dưới sông tại thượng nguồn rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến các khu vực tự nhiên của các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam, mất đi nguồn phù sa màu mỡ cho đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của Việt Nam.
Theo ước tính của Qũy Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), tại Hạ nguồn sông Mê Kông, khu vực giáp danh giữa Lào và Việt Nam, khoảng 50 triệu tấn cát đã bị khai thác trong năm 2011, nhiều hơn khối lượng cát tạo ra mỗi năm. Lượng cát lớn mất đi làm mức nước tại các nhánh sông chính giảm hơn 1m từ năm 1998 đến 2008, tạo điều điện cho xâm nhập mặn phá hoại mùa màng.
Nhìn chung, khai thác cát sông đã trở thành một hoạt động công nghiệp phát triển, cải thiện đời sống cho một bộ phận lớn lao động tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động này được các chuyên gia cảnh báo sẽ mang lại hậu quả xấu cho chính khu vực thượng nguồn và hạ nguồn sông Mê Kông.