Lần đầu tiên tìm thấy vi nhựa trong vùng biển của Phần Lan

BVR&MT – Các nhà khoa học và người bản địa Skolt Sámi mới phát hiện vi nhựa trong các hồ và sông mà cộng đồng người bản địa Sámi đã sử dụng qua nhiều thế hệ. Kích thước trung bình của vi nhựa là 100 micromet và nồng độ dao động từ 45 – 423 hạt vi nhựa/m3. Nồng độ này tuy nhỏ nhưng vẫn cao hơn số lượng dự kiến vì khu vực này được cho là còn nguyên sơ.

Trong khi nguồn gốc của vi nhựa vẫn chưa được xác định, các nhà nghiên cứu cho biết một trong những nguồn có thể đến từ ô nhiễm xuyên biên giới tích tụ ở cá từ đại dương vào vùng nước ngọt để sinh sản.

Sông Näätämö, trải dài trên cả Phần Lan và Na Uy, là một trong số ít sông cá hồi mà Skolt Sámi có thể tiếp cận. Ảnh: Motopark/Wikimedia Commons (CC BY-SA 3.0)

Ở vùng Bắc Cực băng giá của Phần Lan, các hồ và sông đã nuôi dưỡng cuộc sống của cộng đồng người Skolt Sámi bản địa qua nhiều thế hệ khi họ đánh bắt cá và chăn thả tuần lộc. Nhưng sau 3 năm nghiên cứu, các nhà khoa học và người dân bản địa phát hiện sự tồn tại của vi nhựa polyethylene, polypropylene và polyethylene terephthalate. Trong đó, mẫu nước được lấy từ hồ Inarijärvi (Inari), lưu vực sông Näätämö và vịnh Neiden ở biển Barents. Nồng độ vi nhựa ở vịnh thấp hơn lưu vực sông hoặc hồ.

Nguồn gốc của những hạt vi nhựa vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các tác giả đưa ra giả thuyết rằng chúng có thể được mang theo bởi ô nhiễm xuyên biên giới từ đại dương, bị gió thổi vào cửa sông Näätämö hoặc tích tụ trong cá từ đại dương bơi ngược lại sông để sinh sản.

Các nhà nghiên cứu đang thu thập mẫu nước từ sông Näätämö. Ảnh: Snowchange Cooperative

Sông Näätämö, trải dài trên cả Phần Lan và Na Uy, là một trong số ít những sông cá hồi mà người Skolt Sámi có thể tiếp cận. Mặc dù các cộng đồng đã giảm thiểu hoạt động đánh bắt và buôn bán cá hồi nhưng quần thể cá vẫn giảm dần theo năm tháng. Không chỉ vậy, nơi đây còn xuất hiện các loài xâm lấn, chủ yếu là cá hồi hồng (Oncorhynchus gorbuscha) và loài tảo mới.

Để ghi lại những thay đổi trong sử dụng kiến ​​thức truyền thống, từ năm 2011, người dân Skolt Sámi ở miền bắc Phần Lan đã hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu với các nhà khoa học, tổ chức xã hội cùng mạng lưới người dân bản địa. Thay vì lo lắng, cộng đồng Skolt Sámi đang tích cực lên kế hoạch giám sát các khu vực hoang dã, đặt thùng rác trong khu vực và tái chế chúng.

Mặc dù tác động của vi nhựa trong các hệ sinh thái phía Bắc vẫn còn thấp nhưng theo thời gian, nếu không có biện pháp được thực hiện đối với rác thải nhựa và vi nhựa thì hậu quả sẽ dần hiện diện.

MP lược dịch (Theo Mongabay)