BVR&MT – Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 163.000 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 172 cơ sở hội với 2.089 chi hội. Thời gian qua, Hội thực hiện tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua 758 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó tạo điều kiện cho hàng nghìn hội viên nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo…
Năm 2022, gia đình chị Trần Thị Thương (ở xóm Chúc, xã Bá Xuyên) được Hội Nông dân TP. Sông Công phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm. Với số vốn ban đầu, gia đình chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 70 con dê trọng lượng từ 15-20kg về nuôi.
Nguồn thức ăn cho dê là cỏ, lá cây kết hợp với cám ngô. Dê nuôi 3 tháng đạt trọng lượng xuất chuồng khoảng 40-50kg, trừ chi phí cho lãi trên 40 triệu đồng/lứa.
Chị Thương cho biết, nhờ nuôi dê vỗ béo mà gia đình chị có nguồn thu nhập khá. Để có đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt thì việc lựa chọn giống dê để vỗ béo là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, chị cũng chú trọng tới việc thiết kế chuồng trại sao cho thuận tiện trong quá trình vệ sinh. Dưới sàn chuồng thường căng lưới dưới mỗi ô nuôi để hứng phân, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm được công lao động.
Cũng mạnh dạn vay vốn chính sách, chị Lê Thị Tuyết (hội viên Chi hội Nông dân xóm Ấp Chè, xã Văn Hán, Đồng Hỷ) cho hay: Hai vợ chồng tôi được bố mẹ cho ra ở riêng từ năm 2010. Gia cảnh khó khăn, chồng đi làm thuê thu nhập bấp bênh, kinh tế chỉ trông vào mấy sào chè giống cũ. Năm 2019, tôi vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn thoát nghèo của NHCSXH để cải tạo trồng chè, mua cây giống tốt, vật tư phân bón vào trồng, chăm sóc chè cành giống mới, năng suất cao theo quy trình sản xuất VietGAP.
Nhờ nguồn thu ổn định từ 8 sào chè cành, đến năm 2021 gia đình chị đã thoát nghèo; đang tiếp tục vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Không riêng gia đình chị Thương, chị Tuyết, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, từng bước ổn định cuộc sống.
Tính đến hết tháng 11-2024, tổng nguồn vốn ủy thác NHCSXH ủy thác cho Hội Nông dân tỉnh quản lý là trên 1.460 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%/tổng dư nợ cho vay của NHCSXH, tăng hơn 234 tỷ đồng so với 31/12/2023. Tổng số khách hàng được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi thông qua 17 chương trình là 24.520 lượt khách hàng.
Các chương trình tín dụng ưu đãi được hội viên nông dân tập trung vay nhiều như: Cho vay giải quyết việc làm trên 378 tỷ đồng; cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đạt trên 323 tỷ đồng; hộ thoát nghèo đạt trên 178 tỷ đồng; hộ nghèo trên 163 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 159 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 157 tỷ đồng…
Nguồn vốn của các chương trình cho vay được khách hàng sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Để nguồn vốn chính sách thực sự trở thành người bạn đồng hành của hội viên nông dân, hội nông dân các cấp luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, NHCSXH đẩy mạnh tuyên truyền về các chương trình, vốn vay tới các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng; vận động, định hướng hội viên nông dân mạnh dạn vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, đến đúng đối tượng, hội nông dân các cấp cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo đó, tại các buổi giao dịch hằng tháng, cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện sẽ tổ chức giao ban với tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn để nắm bắt tình hình tại cơ sở; phổ biến, giải thích cho tổ viên về chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn ủy thác cho cán bộ chuyên trách; tháo gỡ khó khăn và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp đối với các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn hoặc không có khả năng trả nợ.
Ngoài ra, NHCSXH huyện cũng phân công cán bộ tín dụng địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý nguồn vốn ủy thác của tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn. Một số đơn vị làm tốt công tác ủy thác đến nay không để nợ quá hạn là: TP. Phổ Yên; huyện Đồng Hỷ, Phú Bình và Võ Nhai…