Xuân ở cửa ngõ chính ra biển của Tây Nguyên

BVR&MT – Sau 1 năm rưỡi thi công, dự án cao tốc đầu tiên nối đại ngàn Tây Nguyên với biển đã hình thành rõ nét khi đã thảm những mét bê tông nhựa nóng đầu tiên. Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đang khởi lên làn gió xuân kinh tế. “Cửa ngõ chính ra biển Đông của Tây Nguyên” đang mở ra nhiều triển vọng

“Gió xuân” cao tốc ở những xã vùng sâu

Cửa hàng bách hóa của chị Triệu Thị Mai, dân tộc Dao, mở giữa cụm dân cư đông đúc của xã Cư San, huyện M’Đrak, tỉnh Đắk Lắk. Khu vực này trước đây là một trong những địa bàn sâu, xa và nghèo nhất của huyện, với đa số cư dân là bà con các dân tộc phía Bắc di cư sinh sống. Bây giờ, nơi này đã hoàn toàn đổi thay. Quanh năm tấp nập khách hàng đến mua thịt cá, trái cây, thực phẩm, chăn màn, đồ bảo hộ lao động, khiến cửa hàng của chị Mai ngày nào cũng như chợ tết.

Hầm đường bộ Phượng Hoàng, Dự án Thành phần 2, Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đang được khẩn trương thi công

Cư San vẫn chưa hết khó khăn cách trở nhưng đã đầy hứng khởi và lạc quan. Theo chị Triệu Thị Mai, Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột thành phần 2, thành phần 3 và Dự án Đường Trường Sơn đông, với hàng trăm công nhân trong giai đoạn thi công “3 ca 4 kíp”, đã mang đến cho các tiểu thương ở vùng sâu này thêm nhiều thu nhập. “Có lẽ khoảng 1 nửa hàng hóa, thực phẩm của tôi và bà con tiểu thương ở đây là để phục vụ các công nhân trên công trường cao tốc Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột”, chị Mai cho biết.

Liền kề xã Cư San là Cư Đrăm, xã vùng sâu bởi thế “đường cụt, đường cùng” của huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cũng đang đón những luồng gió lạc quan từ cao tốc Khánh Khòa-Buôn Ma Thuột.

Anh Trần Hữu Thới, ở thôn Yang Hăn cho biết, từ nhà mình ra đến nút giao đường Trường Sơn Đông-Cao tốc Khánh Hòa Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 12 km. Từ nút giao này, theo cao tốc, dù về tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột hay xuống vùng biển Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa, cũng chỉ mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe, thay vì phải đi vòng mất từ 2 đến 3 giờ như hiện nay.

Đặc biệt, với khu vực mà kinh tế chủ yếu dựa vào nông-lâm nghiệp, nông-lâm sản cần tiêu thụ đều tính bằng đơn vị ngàn tấn như M’Đrăk, Krông Bông và liền kề đó là huyện Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa, thì cao tốc là lực đẩy rất lớn. “Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ có cao tốc đi qua vùng sâu này. Có đường cao tốc là vượt quá mong đợi của người dân chúng tôi. Tôi tin sắp tới sẽ có bước phát triển kinh tế mạnh mẽ”, anh Thới hồ hởi.

Vượt nắng thắng mưa trên những công trường

Những ngày cuối năm, gói thầu số 3, Dự án thành phần 3 Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đoạn 6,5km của nhà thầu An Nguyên, đã mượt mà như dải lụa, trải dài giữa những trang trại chuối và sầu riêng xuất khẩu của huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. 300 mét đầu tiên trên đoạn cao tốc này đã được thảm nhựa, là minh chứng cho những nỗ lực “vượt nắng-thắng mưa” theo đúng tinh thần thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động.

Theo đại diện chủ đầu tư Dự án Thành phần 3, Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã ban hành kế hoạch chi tiết về tiến độ và đang thực hiện rất sát. Phần nền đường trên suốt tuyến chính đã cơ bản hoàn thành, nhiều nhà thầu đã lên kế hoạch thảm nhựa mặt đường và việc này sẽ được đẩy nhanh từ sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, khi tiết trời chuyển sang mùa khô nắng ráo.

Với các công trình cầu trên tuyến, cũng đã được đặt mục tiêu cụ thể, sẽ hoàn thành trước 2/9/2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Nhân lực, máy móc đều được các nhà thầu huy động tối đa để tăng khối lượng thi công từng ngày”, ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông, Ban Quản lý dự án Gia thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Đến tháng 11, lũy kế sản lượng thi công toàn dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn ma Thuột, đạt khoảng 25% giá trị hợp đồng. Trong đó dự án thành phần 1 thuộc tỉnh Khánh Hòa, đạt 24%; Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải chủ quản, đạt 19%.

Để đáp ứng tiến độ đã cam kết, về phía các nhà thầu đã tăng cường cả thiết bị, nhân lực và tăng ca làm việc. Trong đó, ở gói thầu số 2, dự án thành phần 2 thi công hầm đường bộ xuyên núi Phượng Hoàng; gói thầu số 1 dự án thành phần 1, dài 22 km, các nhà thầu đang tập trung khoảng 200 thiết bị-phương tiện và hơn 800 nhân sự, đồng loạt xây cầu, khoan hầm và làm đường.

“Chúng tôi cam kết Dự án Nha Trang – Buôn Ma Thuột thành phần 3 sẽ hoàn thành trong năm 2025, tức là trước một năm so với kế hoạch”, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Sơn Hải, đảm nhận thi công 16,5Km thuộc tỉnh Đắk Lắk và 22km thuộc tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Tây Nguyên nhanh liền với biển

Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài khoảng 117,5 km, tổng đầu tư 21.935 tỷ đồng. Điểm đầu của cao tốc là nút giao Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực Cảng Quốc tế Nam Vân Phong – thị xã Ninh Hòa, một cảng biển quốc tế được xếp hạng đặc biệt trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030.

Hiện tại, mới chỉ dưới 10% hàng hóa xuất khẩu của Tây Nguyên, chủ yếu là dăm gỗ và tinh bột sắn từ tỉnh Đắk Lắk, được xuất khẩu qua cảng này, nhưng đã cung cấp cho cảng đến 70% doanh thu.

90% hàng xuất khẩu của Tây Nguyên vẫn đang lựa chọn “hành trình ngược” về các cảng ở thành phố Hồ Chí Minh với quãng đường xa gấp 2,5 lần vì những quốc lộ xuôi về biển phải qua nhiều đèo dốc nguy hiểm, thường xuyên ách tắc.

“Ách tắc giao thông, va chạm giao thông là đại kỵ đối với những doanh nghiệp vận tải. Trong những trường hợp rủi ro, hàng hóa và phương tiện có thể bị giữ lại cả nửa tháng. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải vẫn chấp nhận đường xa mà an toàn chứ không đi đường ngắn mà rủi ro”, ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty vận tải An Phước, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ.

Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột với tốc độ thiết kế 80 đến 100km/giờ, sẽ rút ngắn hành trình xuống cảng chỉ còn dưới 2 giờ với điều kiện đảm bảo an toàn giao thông vượt trội, đang mở ra cơ hội to lớn cho hàng triệu tấn nông-lâm sản xuất khẩu của Tây Nguyên thuận lợi xuống cảng.

Với tỉnh Khánh Hòa, cùng với ý nghĩa kinh tế, Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột có ý nghĩa chính trị quan trọng, để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị, yêu cầu Khánh Hòa trở thành “cửa ngõ chính ra Biển Đông của Tây Nguyên”.

Với tầm quan trọng về cả kinh tế-chính trị-xã hội của tuyến cao tốc nối rừng với biển, chính quyền các địa phương 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa, đang vào cuộc quyết liệt, tháo gỡ những điểm nghẽn, đảm bảo các đơn vị có thể thi công liên tục. Ở tỉnh Đắk Lắk, đến cuối tháng 12 khối lượng thi công ở dự án thành phần 3 đã đạt 31,6%, giải ngân 100% vốn kế hoạch 2024. Tiến độ thi công tháng cuối năm ở dự án này đã tăng gần gấp 3 lần tiến độ bình quân trước đó.

“Tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành dự án. Chắc chắn Dự án thành phần 3 sẽ hoàn thành trong năm 2025 và toàn bộ Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ về đích đúng tiến độ kế hoạch đề ra”, ông Phạm Ngọc Nghị, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk quả quyết.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, từ tháng 9/2024, đã thành lập Tổ hỗ trợ, giám sát giải phóng mặt bằng do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, cũng góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ dự án.

Những ngày cuối năm, từ vị trí cầu vượt CT1 trên nút giao với Cao tốc Vân Phong-Nha Trang nhìn về phía Tây, Cao tốc Khánh Hòa Buôn Ma Thuột đã thành hình, như dòng sông trắng xóa xuyên qua núi rừng xanh biếc, chở theo “phù sa kinh tế”. Nút giao của 2 cao tốc được thiết kế hình bông hoa 4 cánh, cũng đang dần nở giữa đồng lúa thẳng cánh cò bay của miền duyên hải.

NGUỒNvov.vn
Tags: ,
CHIA SẺ