BVR&MT – Mùa này, đường lên huyện biên giới Mường Tè như đi vào trong mộng. Quốc lộ 12 và tỉnh lộ 127 mềm mại uốn mình trên những triền núi biếc, giữa những làn sương trắng xốp và trong âm thanh muôn điệu của cuộc sống nhộn nhịp sơn thôn. Địa chỉ mà nhóm phóng viên chúng tôi tìm đến, là xã Ka Lăng – nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Ka Lăng. Ở đó có địa danh thác “Kẻng Mỏ” đã từ lâu đi vào thơ, vào nhạc, vào các trang báo trong cả nước.
Kẻng Mỏ – vùng đất tận cùng của xã Ka Lăng (huyện Mường Tè); nằm ở ngã ba đầu nguồn con sông Đà trong xanh với dòng suối Nậm Là hun hút đục ngầu, chảy từ phía Trung Quốc về Việt Nam. Cái tên Kẻng Mỏ bắt nguồn từ nhiều huyền tích khác nhau, nhưng có một câu chuyện mà các cụ già kể lại nghe thuyết phục hơn, đó là: Vào thuở sơ khai nào đó, có những đoàn người bên kia biên giới chèo những con thuyền sắt suôi theo dòng sông Đà, vận chuyển hàng hóa tới nơi đầu nguồn. Một ngày nọ, những con thuyền sắt đâm vào đá, vỡ tung, từng mảnh vỡ va vào nhau, âm thanh như tiếng kẻng ở nơi đầu nguồn có mỏ nước chảy ra. Từ đó trở đi người ta gọi là Kẻng Mỏ cho dễ nhớ.
Dù khó khăn đến mấy, dù nó nằm ở góc khuất nhất trên bản đồ Việt Nam thì địa danh ấy vẫn là nơi thân yêu mà bao đời nay bà con dân tộc Hà Nhì gắn bó muốn chế ngự nó để trồng ngô, cấy lúa. Ông Chu Xé Lù ở bản Lả Ú Cò gần đó, kể rằng: Từ đời các cụ già ở đây đã muốn biến vùng đất hoang dại này thành nương lúa, nương ngô nhưng chưa có ai dám vào đây và cũng không ai dẫn đường để tới đó.
Bà con nói đến bộ đội biên phòng là nhắc đến cán bộ, chiến sỹ của Trạm kiểm soát Biên phòng Kẻng Mỏ thuộc Đồn Biên phòng Ka Lăng, ngay tại đầu nguồn sông Đà, nơi có cột mốc 18(2) phân định ranh giới giữa Việt Nam với Trung Quốc. Ngày ấy Thiếu tá Nguyễn Hữu Tám (nhân viên quân y của trạm) còn trẻ lắm, anh nhớ lại: “Vào đây đường sá đi lại vất vả, thỉnh thoảng mưa là sạt đường phải đi bộ, đa số đi bộ là chính. Khó khăn đi lại, nhiều lúc đi bộ là phải nghỉ qua dọc đường, có hôm mưa, đường sạt không đi được, 2-3 ngày mới tới. Đời sống của bà con ở trong này vất vả, đa số sống ở trên rừng, mưu sinh phụ thuộc vào tự nhiên. Tôi là đảng viên nên mọi nhiệm vụ phải làm gương để cho bà con, anh em noi theo và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Thời ấy cả vùng Lé Ma, Mé Gióng, Kẻng Mỏ, Là Ú Cò của xã Ka Lăng rộng lớn nằm giữa nơi heo hút gió, chủ yếu là đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Đến tiếng nói, chữ phổ thông bà con còn chưa sử dụng thành thạo thì việc trở thành đảng viên là rất khó. Nhưng ai sẽ là người “cắm ngọn cờ” để làm điểm mốc cho bà con đi tới, ai dám chèo thuyền độc mộc vượt sông lên Kẻng Mỏ. Suy nghĩ ấy chính là ý tưởng đầu tiên để Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Ka Lăng thành lập chi bộ đầu tiên của vùng đầu nguồn sông Đà ngay tại mảnh đất Kẻng Mỏ.
Đại tá Lê Công Thành – Phó Chính uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Ka Lăng thành lập Chi bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ hay còn gọi là chi bộ đầu nguồn. Khi thành lập chi bộ đầu tiên cũng chỉ có 5 đảng viên. Chi bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ thuộc Đồn Biên phòng Ka Lăng, cách xa đồn biên phòng trên 40km.
Việc thành lập một chi bộ của bộ đội biên phòng nơi đầu nguồn sông Đà là rất cần thiết, có chi bộ thì cờ của Đảng sẽ tung bay trên Kẻng Mỏ, bà con dân tộc Hà Nhì sẽ về đây dựng nhà làm nương; những nếp nhà đất trình tường sẽ mọc lên, bộ đội có nơi nghỉ dọc đường tuần tra và từ đây chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng từ nơi bộ đội dừng chân mà đến với bà con. Chị Lù Mí Pư, dân tộc Hà Nhì, đảng viên Chi bộ Lò Ma, cho biết: Các chi bộ bản ở xa nhau quá mình đi mãi thì cũng mỏi chân, vì vậy bà con mong có thêm Chi bộ ở Kẻng Mỏ từ lâu rồi. Bộ đội biên phòng Đồn Ka Lăng đã thành lập được Chi bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ ở đầu nguồn sông Đà sẽ giúp cho bà con mình nắm bắt được những chính sách của Đảng nhanh hơn, thuận lợi cho nhân dân nơi sinh sống. Từ ngày có Chi bộ Trạm Kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ, bộ đội đã nhiều lần cử đảng viên về tham gia sinh hoạt tại Chi bộ bản Lò Ma mình ấy.
Vậy là Kẻng Mỏ đã có “ngọn đuốc” để soi đường, đương nhiên sẽ không còn gập ghềnh, hoang vu và tăm tối nữa. Không biết xuân Ất Tỵ (2025) này là mùa xuân thứ bao nhiêu bà con Hà Nhì đón xuân nơi biên giới Mường Tè và là mùa xuân thứ bao nhiêu cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng trụ lại đón giao thừa nơi biên ải. Chiếc bánh chưng đón xuân của bà con Hà Nhì cũng như các dân tộc ở đây, có hạt gạo nếp nương vùng đất Ka Lăng, có giọt mồ hôi của nhiều thế hệ cha ông những ngày mở đất và giữ đất.
Xuân này, mời bạn bốn phương lên thăm Ka Lăng, để nghe gió biên cương thổi dọc những cánh rừng. Giữa cái lạnh miền quan tái cô liêu, xin bạn hãy lắng lòng mình để nghe trong tiếng xào xạc của đại ngàn, trong tiếng róc rách nghìn đời của dòng Đà Giang kể về Lễ hội “Hồ Sự Chà” của đồng bào Hà Nhì, với những phong tục lạ mắt, nhân văn và độc đáo.