Đỉnh U Bò – Nơi hoang sơ cất giấu những điều kỳ diệu

BVR&MT – Đỉnh U Bò (còn gọi là đỉnh Sa Mu) là một trong 3 đỉnh núi nằm trong khu vực Tam giác quỷ (theo cách gọi của người dân), thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa (tỉnh Sơn La). Không chỉ nổi bật bởi cảnh sắc tráng lệ mà còn thu hút bởi hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú. Với những ai khao khát được chạm tay vào vẻ đẹp hoang sơ nhất của thiên nhiên, hành trình khám phá Sa Mu tựa như bước vào một miền cổ tích đầy kỳ bí, nơi từng loại cây, từng loài hoa kể câu chuyện riêng về sức sống mãnh liệt của núi rừng.

Có những hành trình không chỉ đơn thuần là chinh phục, mà còn là sự kết nối sâu sắc giữa con người và thiên nhiên. Đỉnh U Bò, nằm trọn vẹn giữa đại ngàn hoang sơ, và hành trình đến đây không dễ dàng. 

Trekking, khám phá đỉnh U Bò hiện là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn.          

Bức tranh thiên nhiên ma mị nhưng cũng rất nên thơ

Để đến được đỉnh U Bò, phải vượt hơn 100 cây số từ Thành phố Sơn La đến bản Chống Tra, xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên), từ đây, chỉ có thể đi bộ ngược dốc lên núi. Chúng tôi bắt đầu chuyến đi từ chân núi khi bình minh còn mờ sương. Ánh sáng yếu ớt của mặt trời xuyên qua những đám mây dày đặc. Không gian chìm trong sự tĩnh lặng, chỉ còn tiếng bước chân lạo xạo trên lá khô và tiếng gió thổi qua rừng cây.

Con đường lên đỉnh U Bò không phải là một lối mòn bằng phẳng. Nó là sự đan xen của những con dốc dựng đứng, những bậc đá phủ đầy rêu xanh và những đoạn đường nhỏ len lỏi giữa rừng già. Nhưng chính những thử thách đó khiến chuyến đi thêm phần thú vị. Mỗi lần vượt qua một đoạn dốc, chúng tôi lại cảm nhận rõ hơn hơi thở của núi rừng, thấy mình như hòa làm một với thiên nhiên.

Được bao phủ bởi sương mù dày đặc và không gian yên tĩnh đã tạo nên một khung cảnh ma mị, huyền bí của đỉnh U Bò.

Trải dài dần theo độ cao 2.600m lên tới đỉnh, càng lên cao rừng càng trở nên bí ẩn và kỳ vĩ. Những cây cổ thụ cao lớn, thân xù xì với lớp vỏ mốc thếch, đứng sừng sững như những nhân chứng sống của thời gian. Từ gốc cây, các loại dương xỉ, địa y, và phong lan dại len lỏi mọc lên, rêu phong phủ kín từ gốc đến tận cành tạo nên vẻ trầm mặc và cổ kính. Rễ chằng chịt, hình dáng độc đáo, kỳ quái với không gian mờ ảo trong sương, thi thoảng lại văng vẳng những tiếng kêu dì dị của các loại động vật hoang dã, một khung cảnh có thể thách thức tâm lý của những người khao khát chinh phục đỉnh núi Sa Mu. 

Nhiều cây lớn với hình thù kỳ quái.

Độ hoang sơ, kỳ bí trong khu rừng tăng dần theo độ cao của hành trình leo núi. Thi thoảng chúng tôi bắt gặp những thân cây đổ ngang, tạo thành những chiếc cầu tự nhiên bắc qua khe suối nhỏ. Dòng suối nhỏ chảy róc rách men theo sườn núi là điểm nhấn giữa rừng già U Bò. Nước suối trong vắt, mát lạnh, len lỏi qua từng phiến đá, phản chiếu ánh sáng lấp lánh. Chúng tôi dừng chân bên bờ suối, uống từng ngụm nước mát lành, cảm nhận sự tinh khiết của thiên nhiên, như được tiếp thêm năng lượng để bước tiếp.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tuấn cùng với đoàn gồm 12 người người chinh phinh phục đỉnh Sa Mu những ngày đầu tháng 12 cho biết: “Rừng rêu là một trong những điểm để lại ấn tượng cho mình nhất trong chuyến đi này. Thời tiết khá lạnh và có sương mù đôi lúc là mưa nhỏ càng làm nổi bật sự ma mị của rừng rêu, những cây cổ thụ to được phủ kín những lớp rêu quanh thân cây, tiếp đến là biển mây lúc hoàng hôn đúng hơn nó giống 1 thác mây hòa cùng sắc đỏ của bầu trời lúc hoàng hôn xuống. Một khung cảnh đánh thức tâm hồn của bao nhiếp ảnh gia”. 

Cánh rừng nguyên sinh được ví như vương quốc của các loài kỳ hoa, dị thảo.

Không chỉ ấn tượng bởi những cây đại thụ, khu rừng nguyên sinh Sa Mu còn mê hoặc du khách bởi các loài hoa rừng muôn màu muôn vẻ. Mùa nào cũng tạo nên vẻ đẹp riêng của nó với những loài hoa đặc trưng. Trong số đó, không thể không kể đến những giò phong lan treo lơ lửng trên cao, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Phong lan rừng tại Sa Mu có đủ loại – tất cả đều toát lên vẻ đẹp thanh thoát và hoang dã.

Tháng 12 đến tháng 2, đây là thời điểm săn mây cực đỉnh của Sa Mu. Và sang tháng 3, tháng 4 bạn sẽ được chiêu đãi mùa hoa đỗ quyên nở rực rỡ. Những bụi đỗ quyên đỏ, vàng, trắng mọc chen chúc trên các sườn núi, tạo nên một khung cảnh rực rỡ giữa bạt ngàn xanh thẳm. Hoa đỗ quyên không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho sức sống bền bỉ của núi rừng Tây Bắc, khi chúng vẫn nở rộ bất chấp cái lạnh giá của vùng cao.

Khơi dậy cảm xúc trước vẻ đẹp rừng già Sa Mu

Trải qua vài tiếng trèo đèo, băng rừng một khung cảnh mở ra đền đáp cho cả một hành trình không mấy dễ dàng –  nơi giao thoa của đất trời.  Đứng trên đỉnh, bạn như được chạm vào mây trời, nơi ranh giới giữa con người và thiên nhiên trở nên mờ nhạt. Gió thổi mạnh, mang theo hơi lạnh của núi rừng, quấn lấy cơ thể, khiến chúng tôi rùng mình nhưng cũng tràn đầy hứng khởi. Phóng tầm mắt ra xa, một khung cảnh ngoạn mục mở ra. Biển mây trắng xóa trôi lững lờ giữa những ngọn núi trùng điệp. Tất cả như một bức tranh thủy mặc sống động.

Đây là đỉnh núi mới ở Tà Xùa, được cắm chóp vào tháng 12/2022.

Anh Nguyễn Tuấn cảm thán rằng: “Cảm xúc khi đứng trên đỉnh U Bò thật khó tả. Tôi sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, là niềm tự hào khi vượt qua mọi thử thách để chạm tay tới đỉnh cao, và cũng là sự khiêm nhường khi nhận ra mình nhỏ bé thế nào giữa không gian rộng lớn này”. 

Biển mây trắng muốt, bồng bềnh nhìn từ đỉnh Sa Mu.

Đỉnh Sa Mu không chỉ là một điểm đến, mà còn là nơi đánh thức cảm xúc. Giữa không gian bao la, mọi thứ như chậm lại, cho ta thời gian lắng nghe tiếng nói của tự nhiên và của chính mình. Cảm giác đứng trước cảnh đẹp này giống như  đang đối diện với những chương sách bất tận của thiên nhiên, mỗi ngọn cây, mỗi đám mây đều kể một câu chuyện riêng. từng chiếc lá, nhành hoa, từng tiếng gió reo đều như một lời thủ thỉ của thiên nhiên, khiến ta nhận ra giá trị của những điều giản dị nhưng vô cùng quý báu.

Trong hành trình này, điều mà chúng tôi không thể không nhớ tới đó là những người dân bản địa. Những con người vẫn cần mẫn góp một phần trong việc gìn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của rừng già. Họ sống hài hòa với thiên nhiên, chăm chỉ lao động để duy trì cuộc sống. Không chỉ khiến chúng tôi nể phục bởi nghị lực vượt khó, mà còn bởi tấm lòng nồng hậu, sự chân thành và hiếu khách.

Lán trại trên đỉnh Sa Mu U Bò mở cửa đón khách từ tháng 11/2022, do đó khá mới và sạch sẽ. Đây là điểm dừng chân, nghỉ ngơi lý tưởng cho đoàn trekking sau một hành trình dài băng rừng.

Khi du khách ghé thăm, họ luôn được đón tiếp bằng nụ cười thân thiện và những bữa cơm giản dị nhưng ấm áp. Bát cơm dẻo thơm từ nương, chén rượu ngô cay nồng và những món ăn đậm chất núi rừng như cải mèo, gà bản hay cá suối được chuẩn bị chu đáo, thể hiện tấm lòng nhiệt tình của người dân. Không những thế, họ còn sẵn sàng làm người dẫn đường, chia sẻ câu chuyện về núi rừng, về những khó khăn mà họ đã vượt qua để sinh tồn giữa lòng thiên nhiên khắc nghiệt.

Chứng kiến sự giản dị và mạnh mẽ trong lối sống của họ, du khách không chỉ cảm nhận được sự mến khách mà còn học hỏi bài học quý giá về lòng biết ơn và khả năng thích nghi trước thử thách. Sự hiện diện của người dân bản địa tại đỉnh U Bò không chỉ làm đẹp thêm cho mảnh đất này mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm ấm áp và đáng nhớ trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ vĩ.

Rong rêu ở đây cũng là một dạng của thực vật biểu sinh, bao gồm rêu, dương xỉ sống ký sinh trên thân gỗ, thân đá. Ở Việt Nam, không có nhiều ngọn núi mát mẻ quanh năm và có khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật biểu sinh ấn tượng, độc đáo như vậy.

Sa Mu gợi lên những xúc cảm sâu lắng về sự kỳ diệu của tạo hóa, về sự gắn kết giữa con người và đất trời. Đó là sự tôn kính, là niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương, và cũng là sự thúc giục thầm lặng để ta sống chậm lại, hòa mình với thiên nhiên nhiều hơn. Sa Mu là một hành trình không chỉ để khám phá mà còn để chiêm nghiệm. Đứng giữa bạt ngàn rừng xanh, con người dường như nhỏ bé hơn, nhưng cũng tìm lại được chính mình trong sự yên bình, nguyên sơ mà khu rừng mang lại.

Khu rừng đặc dụng Tà Xùa có tổng diện tích quy hoạch trên 16.673 ha, thuộc địa bàn 3 xã: Háng Đồng (Bắc Yên), Mường Thải và Suối Tọ (Phù Yên). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 15.065 ha. Rừng đặc dụng Tà Xùa là khu hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi cao vùng Tây Bắc, có giá trị bảo tồn cao, lưu giữ nhiều loài động, thực vật và nguồn gen quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Khu vực này có diện tích rừng tập trung khá lớn, đa dạng về các hệ sinh thái và sinh cảnh, với nhiều kiểu rừng, rất có giá trị về nghiên cứu khoa học.


Hà Linh