BVR&MT – Bên cạnh những căng thẳng trên biển Đông, ở phía Tây, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một “cuộc chiến” khác trên dòng chính sông Mê Kông. Bài viết này phân tích một số vấn đề nổi bật về mặt an ninh chính trị và quan hệ quốc tế thông qua cách tiếp cận trên quan điểm địa chính trị để phân tích về bối cảnh “cuộc chiến nguồn nước” (water war) đang hình thành trên dòng Mê Kông và những nguy cơ Việt Nam sẽ phải đối mặt khi cùng lúc phải đương đầu với “gọng kiềm” gồm các chuỗi đảo được Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông.
Trung Quốc – Gã khổng lồ “gác nước” sông Mê Kông…
Là nước thượng nguồn, sở hữu gần một nửa chiều dài trong tổng số 4.909km của sông Mê Kông, Trung Quốc có lợi thế tuyệt đối trong việc quyết định vận mệnh của dòng sông và khống chế khả năng tiếp cận nguồn nước bền vững của các quốc gia hạ nguồn. Trong cơn khát năng lượng để phục vụ công nghiệp hóa và duy trì tăng trưởng kinh tế, nguồn thủy năng trên 2.200km sông Lan Thương [1] đã dược Bắc Kinh khai thác triệt để.
Từ năm 1992 đến năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào sử dụng 7 đập thủy điện và đang triển khai thêm khoảng 20 dự án xây đập khác, tạo nên một chuỗi hồ chứa liên hoàn trên thượng nguồn sông Mê Kông. Trong đó, các bậc thang thủy điện Nọa Trát Độ (Nuozhadu), Tiểu Loan (Xiaowan), Cảnh Hồng (Jinghong), Mạn Loan (Manwan) và Đại Triều Sơn (Dachaosan) có công suất thiết kế và quy mô hồ chứa lớn nhất [2].
Mặc dù một số con đập được xây dựng theo công nghệ “run-of-river” (tạm dịch: đập dâng), nhưng các nghiên cứu độc lập cho thấy chúng đã làm đổi hướng dòng chảy và thay đổi hoàn toàn chế độ thủy văn ở bên dưới cửa đập. Tổng hợp số liệu về dung tích các hồ chứa, có thể thấy 7 đập thủy điện trên đã giữ lại gần 42 tỷ m3 nước, tức khoảng 40% lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về đến biên giới Thái Lan.[3]
Nghiêm trọng hơn, sụt giảm phù sa và trầm tích sau khi đi qua các hồ thủy điện còn đe dọa sự tồn tại của nhiều hệ sinh thái ngập nước ven sông Mê Kông và gây tác động sụt lún, thoái hóa đất và sạt lở ở vùng đồng bằng hạ lưu. Các tác động xuyên biên giới về môi trường, sinh thái và sinh kế do các đập thủy điện Trung Quốc gây ra đã được minh chứng rõ rệt ở Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và ĐBSCL – Việt Nam những năm gần đây.
Mặt khác, trong bối cảnh biến đổi khí hậu với diễn biến khô hạn thường xuyên và mực biển dâng ở ĐBSCL, nguồn nước từ thượng nguồn trở nên vô cùng cần thiết để cân bằng chế độ thủy văn và duy trì sản xuất vào mùa khô ở vùng hạ lưu. Mặc dù phần lưu vực thuộc Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 16% tỷ lệ dòng chảy, nhưng vào mùa hè, lượng nước tan chảy từ vùng băng hà Tây Tạng lại chiếm ưu thế giúp cân bằng lưu lượng dòng chảy về hạ nguồn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng nước được xả ra từ các con đập luôn lệ thuộc vào nhu cầu an ninh nguồn nước và sản xuất điện của Trung Quốc hơn là trách nhiệm quốc tế mà Trung Quốc phải thực thi trên sông Mê Kông. Trung Quốc hiện đang đối mặt với thực trạng mất an ninh nguồn nước nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1960 với lượng nước sạch bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 mức trung bình của thế giới. Bùng nổ dân số và công nghiệp hóa tràn lan đang tạo ra áp lực rất lớn đến nguồn cung nước sạch trong nước. Vì vậy, nỗ lực giữ “độc quyền” khai thác và tích trữ nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông cho nhu cầu quốc nội của Trung Quốc tạo ra mối nguy đáng lo ngại cho các cộng đồng dân cư ở hạ nguồn.
Sự kiện hạn-mặn lịch sử năm 2016 là một minh chứng cho thấy vai trò “gác nước” và khả năng khống chế dòng sông Mê Kông của Trung Quốc. Hầu hết các khu vực Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam đều bị tàn phá nặng nề của thời tiết khô hạn cực đoan. Trong bối cảnh tăng trưởng nông nghiệp bị lao dốc xuống mức 1,36% (mức thấp nhất kể từ năm 2011) kéo theo nhiều xáo trộn xã hội do thiếu nước ngọt, Việt Nam đã phải kiến nghị Trung Quốc xả nước tiếp ứng. Bất chấp sự thật rằng các hồ chứa là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện hượng thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng phát đi tuyên bố biện minh rằng El Nino mới là thủ phạm chính, phủ nhận vai trò của các hồ thủy điện và “quyết định khắc phục khó khăn và làm hết sức có thể để giúp đỡ các nước ứng phó với tình trạng khô hạn”.
Việc Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng trong 1 tháng để gia tăng lưu lượng nước ở vùng hạ lưu một mặt giúp “đánh bóng” hình ảnh ngoại giao của nước này, nhưng mặt khác lại là tín hiệu cho thấy sự lệ thuộc lâu dài của các nước hạ lưu vào vai trò điều tiết nguồn nước sông Mê Kông của Trung Quốc. Dù đối mặt với sự chỉ trích đáng kể từ quốc tế nhưng rõ ràng “vũ khí nước” mà Trung Quốc nắm giữ đang đặt Việt Nam vào tình thế bất lợi trên diễn đàn ngoại giao Mê Kông, nhất là khi Trung Quốc phủ quyết tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Nguồn nước (UNWC).
…đến cuộc đua trong vai trò dẫn dắt khu vực
Thái độ thiếu thiện chí của Trung Quốc với các Công ước, luật pháp và tổ chức quốc tế liên quan đến “nước” như UNWC và UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển)… đang khiến các tranh chấp có liên quan đến Trung Quốc trở nên phức tạp. Trong bối cảnh đó, các cơ chế và sáng kiến khu vực như ASEAN, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Sáng kiến Hạ lưu Mê Kông (LMI) được xem là diễn đàn hay “chiếc phao ngoại giao” cuối cùng mà các nước có thể trông chờ. Tuy nhiên, mối bận tâm lớn nhất ở các cơ chế này chính là sự thiếu hụt tính ràng buộc pháp lý và sự hợp tác thiện chí của chính quyền Bắc Kinh.
Sau gần 4 năm đàm phán trong bế tắc, ASEAN và Trung Quốc vừa thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với không nhiều tín hiệu tích cực cho các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông. Ở phía Tây, cả MRC và LMI đều không có được tư cách thành viên của Trung Quốc cũng như thiếu hụt sự đồng thuận giữa các nước tham gia. Vì vậy, suốt nhiều năm qua các cơ chế này không đạt được tiếng nói chung hay giải pháp ngoại giao đáng kể nào trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp nguồn nước.
Trong nỗ lực duy trì cân bằng cán cân khu vực và kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, LMI với sự bảo trợ từ Chính phủ Mỹ được kỳ vọng mang lại diễn đàn ngoại giao đột phá. Tuy nhiên, chính sách cắt giảm đáng kể viện trợ cho các nước hạ nguồn sông Mê Kông, nhất là Campuchia, của Chính quyền Donald Trump đang được xem bước thoái lui ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Điều này buộc các nước vốn lệ thuộc nặng nề kinh tế vào Trung Quốc phải lựa chọn quay lại quỹ đạo ảnh hưởng mà Bắc Kinh mong đợi.
Năm 2016 còn chứng kiến bước tiến dài của Trung Quốc trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) khi triển khai sáng kiến Hợp tác Lan Thương – Mê Kông (LMCM). Được Trung Quốc bảo trợ triệt để, LMCM được xem là diễn đàn để Bắc Kinh thúc đẩy các đối thoại hợp tác kinh tế và mở rộng hạ tầng với các nước trong khu vực. Theo Courtney Weatherby (học giả cao cấp tại Stimson Center) và một số nhà phân tích, LMCM cùng với các hợp tác trong sáng kiến Một vành đai – Một con đường (OBOR) sẽ mau chóng định hình vị thế ảnh hưởng vững chắc của Trung Quốc ở toàn khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Trong viễn cảnh đó, Việt Nam cần đối sách ngoại giao linh hoạt để đảm bảo các lợi ích và vị thế chính trị của mình ở các thị trường truyền thống, như Lào và Campuchia, không bị đe dọa.[4]
Sóng ngầm xung đột
Tháng 10/2016, Operation Mekong (“Điệp vụ Tam giác Vàng”) – một bộ phim hành động mang nhiều thông điệp ngoại giao của Trung Quốc – được trình chiếu khắp các rạp phim ở Đông Nam Á. Nội dung phim được phát triển dựa trên một sự kiện có thật xảy ra ngày 5/10/2011: hai tàu buôn Trung Quốc bị tấn công trên khúc sông Mê Kông đoạn qua khu vực Tam giác Vàng (Lào-Thái Lan-Myanmar) khiến 13 thuyền viên Trung Quốc bị sát hạ. Biến cố này đã tạo ra cơ sở để Trung Quốc thành lập hoạt động tuần tra chung với Thái Lan, Lào và Myanmar kể từ 12/2011 nhằm kiểm soát mọi hoạt động trên chiều dài 500km từ Cảng Guanlei (Vân Nam) đến khu vực biên giới Lào-Thái Lan.
Với lực lượng tham dự đông đảo (trên 200 binh sĩ từ tỉnh Vân Nam) và hỗ trợ chủ chốt về trang bị và đào tạo cho các nước khác trong mỗi đợt tuần tra, có thể thấy rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc về phía hạ nguồn đang củng cố ảnh hưởng và mở ra nhiều lợi thế cho các hoạt động giao thương của nước này. Thống kê cho thấy số lượng tàu buôn Trung Quốc đã tăng lên liên tục sau mỗi đợt tuần tra chung[5].
Hoạt động này còn mở đường cho hàng loạt các dự án công nghiệp, khai khoáng và đồn điền của thương nhân Trung Quốc đầu tư vào các vùng đất màu mỡ ven sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Myanmar, Lào và Thái Lan.
Tuy nhiên, sự hiện diện gia tăng của dòng người Trung Quốc đã tạo ra những phản ứng gay gắt từ cộng đồng địa phương – nơi hứng chịu các xáo trộn về xã hội và ô nhiễm môi trường do các dự án kinh tế gây ra. Hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào công dân Trung Quốc đã xảy ra ở Lào và Myanmar, khiến nhiều người lao động Trung Quốc thương vong kể từ đầu năm 2016. [6]
Tại Thái Lan và Campuchia, mâu thuẫn giữa cộng đồng địa phương với các nhà đầu tư và sự hiện diện của quân đội đến từ Trung Quốc thường xuyên nổ ra. Nhiều dự án xây đập thủy điện, khai thác cát, nạo vét và khai phá lòng sông Mê Kông do Trung Quốc triển khai cũng bị các tổ chức phi chính phủ (NGO) và cư dân địa phương phản ứng quyết liệt. Nguy cơ về các hoạt động khủng bố và chống phá vũ trang cũng trở nên hiện hữu ở các dự án do Trung Quốc đầu tư ở Campuchia.
Rõ ràng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về phía hạ nguồn sông Mê Kông. Trong khi chính phủ các nước Myanmar, Lào, Campuchia tuyên bố tìm thấy lợi ích to lớn từ các sáng kiến hợp tác và OBOR mà Bắc Kinh khởi xướng, những “sóng ngầm” đang nổ ra dọc sông Mê Kông phản ánh mặt trái của quá trình mở rộng ảnh hưởng đầy tham vọng của Trung Quốc tại Tiểu vùng sông Mê Kông.
Lời kết
Mùa mưa đến sớm với lượng mưa dồi dào qua các tháng gần đây đang hứa hẹn diễn biến thời tiết tích cực hơn cho ĐBSCL năm 2017. Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc khí tượng học nhị nguyên (dualist meteorology) có thể hiểu rằng sau tác động khô hạn nghiêm trọng của El Nino năm 2016, La Nina – với đặc trưng đối lập: gây mưa bão với cường độ lớn – sẽ xuất hiện để kết thúc chu trình hoàn lưu khí tượng luân phiên mỗi 2-4 năm/lần. Điều này có nghĩa là trong những năm tới, rất có thể kịch bản khô hạn – biển tiến ở ĐBSCL sẽ trở nên thường xuyên hơn. Trong viễn cảnh đó, khả năng lệ thuộc của các nước hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có ĐBSCL, vào chính sách “ngoại giao nước” của Bắc Kinh là khó tránh khỏi.
Nhìn nhận câu chuyện an ninh năng lượng của Trung Quốc dưới lăng kính địa chính trị mới thấy rằng suốt hơn 2 thập kỷ nước này phát triển thủy điện ồ ạt trên thượng nguồn sông Mê Kông (bao gồm cả các dự án đầu tư trên đất Myanmar và Lào) là không nhằm mục tiêu “giải tỏa cơn khát năng lượng” như nhiều người lầm tưởng. Theo Tiến sĩ Yu Xiaogang, nhà sáng lập tổ chức Green Watershed tại Vân Nam, nhu cầu năng lượng tại Tây Nam Trung Quốc đã không còn là vấn đề chính trong chính sách quy hoạch thủy điện của nước này. Trên thực tế, Vân Nam đã có 5 năm liên tiếp dư thừa nguồn điện và đang nỗ lực xuất khẩu sang Myanmar và Bangladesh. Vì vậy, các nỗ lực “trị thủy” của Trung Quốc rõ ràng đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để nước này giữ vai trò “độc quyền” trong điều tiết nguồn nước từ thượng nguồn. Đối mặt “cơn khát” giữa hạn hán ở hạ lưu, các lợi ích kinh tế và ngoại giao luôn là mục tiêu thỏa hiệp cuối cùng để Bắc Kinh quyết định đóng hay mở các con đập.
Là nước cuối nguồn sông Mê Kông, Việt Nam hoàn toàn gánh chịu những tác động tiêu cực về mặt môi trường lẫn ngoại giao do các quyết sách phát triển mang tính “dân tộc vị kỷ” mà các nước thượng nguồn theo đuổi. Các bước đi của Trung Quốc trên sông Mê Kông một mặt tạo ra các nguy cơ mất an ninh nguồn nước cùng những hệ lụy môi trường và xã hội cho Việt Nam, mặt khác còn tạo ra một “gọng kiềm” thứ 2 uy hiếp lợi ích quốc gia của nước ta từ phía Tây. Chính vì vậy, vấn đề tranh chấp nguồn nước sông Mê Kông cần phải được nhìn nhận đầy đủ hơn ở khía cạnh địa chính trị để có đối sách ứng phó kịp thời, nhất là trong bối cảnh căng thẳng ở các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông đang phức tạp trở lại.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang – Giảng viên nghiên cứu chính trị và an ninh môi trường (Đại học Cần Thơ)
[1] Đoạn thượng nguồn sông Mekong chảy trong lãnh thổ Trung Quốc (Tây Tạng và Vân Nam).
[2] Tổng công suất thiết kế của các con đập này đạt gần 20,000MW, chiếm gần 2/3 tổng trữ năng thủy điện của toàn lưu vực thượng lưu sông Mekong (29,000MW).
[3] Timo A. Rasanen và cộng sự (2017), Observed river discharge changes due to hydropower operations in the Upper Mekong Basin. Journal of Hydrology (545) 28-41.
[4] Những năm gần đây, dòng đầu tư và viện trợ của Trung Quốc vào Lào, Campuchia liên tục tăng mạnh và hiện đã vượt qua Việt Nam để trở thành nhà đầu tư số lớn nhất ở 2 nước này. Tại Lào, các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư và sở hữu 6 dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Trung Quốc cũng đang xây dựng mạng lưới đường sắt 6 tỷ USD (tương đương 50% GDP của Lào) kết nối Lào với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Quy mô đầu tư khổng lồ đã cho thấy viễn cảnh lệ thuộc kinh tế vào quỹ đạo của Trung Quốc là khó tránh khỏi.
[5] Trong đợt tuần tra chung đầu tiên vào 12/2011 ghi nhận được 10 buôn Trung Quốc đang hoạt động trên sông Mekong. Đến đợt tuần tra thứ 5 vào tháng 8/2012, con số này đã tăng lên gần 6 lần với 59 tàu đăng ký hoạt động.
[6] Tháng 1/2016, ít nhất 2 công nhân Trung Quốc bị chết và nhiều người khác bị thương trong vụ nổ bom ở Lào. Đến tháng 6/2017, 1 công dân Trung Quốc bị sát hại và 3 người khác bị thương trong một vụ tấn công khác ở tỉnh Luang Prabang.