BVR&MT – Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2024 thay thế cho Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ban hành ngày 30/6/2017.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định này là căn cứ cho các đợt điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, song sẽ giảm áp lực biến động đầu vào, tài chính cho ngành điện, cũng như góp phần đảm bảo cung ứng điện ngày một tốt hơn.
Giá bán điện đang ở đâu?
Cả nước đã chứng kiến tình trạng thiếu điện trong năm 2023 khi hàng loạt hồ chứa thủy điện trên cả 3 miền trở nên khô hạn vì nắng nóng. Các nhà máy thủy điện phải dừng vận hành hoặc chỉ vận hành cầm chừng. Trong khi đó, một số nhà máy nhiệt điện vận hành quá tải dẫn đến sự cố và phải đại tu.
Trong bối cảnh đó, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện có giá thành cao; trong đó, có cả nhiệt điện dầu.
Ước tính cả năm 2023, sản lượng huy động thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh so với với kế hoạch đã được Bộ Công Thương duyệt và giảm 22,5 tỷ kWh so với năm 2022. Nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 28,2 tỷ kWh so với năm 2022. Nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 1,2 tỷ kWh so với năm 2022. Năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 2,8 tỷ kWh so với năm 2022.
Trong khi nhiệt điện than, dầu được huy động cao, thì giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm, nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với giai đoạn 2020 – 2021. Giá than đã tăng gần 3 lần và giá dầu tăng gần 2 lần so với 2020, các thông số đầu vào khác cũng tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho hay, theo tính toán, chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối là 2.092,78 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân là 1.950,32 đồng/kWh. Theo đó, cứ mỗi kWh bán ra, EVN đang chịu lỗ 142,5 đồng.
TS Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho hay, do yếu tố đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất điện năng năm 2023 được ước tính cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. Với điều kiện như vậy, việc sản xuất, kinh doanh của ngành điện năm 2023 tiếp tục bị thua lỗ là điều không thể tránh khỏi.
Một thực tế đáng lo ngại ở Việt Nam trong suốt những năm qua là sản lượng điện tăng nhưng hiệu quả sử dụng điện lại khá thấp. Hiệp hội Năng lượng cho hay, trong giai đoạn 1990 – 2020 sản lượng điện tiêu thụ của Việt Nam có sự tăng trưởng cao nhất thế giới. Song, sử dụng điện ở Việt Nam kém hiệu quả hơn so với các nước trong khu vực như: Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc… khi cần tới 0,652 kWh để tạo ra 1 USD, trong khi các nước chỉ cần từ 0,152-0,544 kWh để tạo được 1 USD.
Đưa giá điện về đúng thị trường
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, không chỉ có EVN mà nhiều tập đoàn lớn cũng chịu tác động lớn từ biến động giá nhiên liệu như: Tập đoàn Điện lực của Pháp năm 2022 cũng lỗ 5 tỷ Euro…
Về cơ bản, con số lỗ của các tập đoàn điện lực liên quan tới giá nhiên liệu tăng rất cao, có lúc lên tới gấp 6-8 lần so với giá thông thường. Với ngành điện các nước, họ có thể điều chỉnh khá linh hoạt ở trong biểu giá của họ; các yếu tố như giá công suất, cơ chế cho phép điều chỉnh. Chẳng hạn như ở Đức, một số công ty bán lẻ điện không bị kiểm soát về giá bán lẻ và họ đàm phán với khách hàng, điều chỉnh giá trong thời gian phù hợp với giá nhiên liệu tăng cao. Do đó, họ không phải gánh mức lỗ phải tích lũy.
“Trở lại với EVN, cần có động thái điều chỉnh từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan để trước mắt có dòng vốn hỗ trợ để EVN không phải bù lỗ và có nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh phù hợp, đầu tư cho các dự án cấp thiết”, ông Hà Đăng Sơn cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, để tách bạch giá điện và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng điện, cần sửa Luật Điện lực và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện với giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất.
Trong thị trường bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện sẽ thỏa thuận, thống nhất về giá điện. Nhà nước chỉ quy định về biểu giá điện đối với các đối tượng khách hàng không tham gia mua điện trên thị trường. Đơn vị quản lý lưới phân phối điện sẽ đóng vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện cho các bên tham gia thị trường (đơn vị bán lẻ, khách hàng sử dụng điện).
TS. Nguyễn Huy Hoạch cho hay, có thể, khi thực sự có cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện, giá điện sẽ tăng, hoặc giảm, người dân có sự lựa chọn nguồn cung và EVN sẽ không bị khoác cho cái áo “độc quyền” nữa.
Để tiến tới thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường, TS Nguyễn Huy Hoạch đề xuất cần công khai thu, chi của EVN, giá điện mua vào từng loại hình phát điện và giá bán ra cho từng đối tượng sử dụng điện. Qua đó, người tiêu dùng sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao cần phải điều chỉnh giá điện.
Cùng đó là đưa giá điện sát thị trường và xóa bù chéo; quản lý hoạt động mua, bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh minh bạch, giá theo cơ chế thị trường. Đồng thời, quản lý vận hành hệ thống điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện cùng an toàn sử dụng điện.
Theo nhận định từ các chuyên gia, việc thực hiện giá mua điện theo cơ chế thị trường và giá bán điện theo quy định của Chính phủ, EVN có thể không thu hồi đủ vốn để tái sản xuất, tiếp tục thua lỗ lớn. Từ đó, dẫn đến nguy cơ thiếu điện cho nền kinh tế do không thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nguồn và lưới điện.
Có thể nói đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện lộ trình tiến tới đưa giá bán lẻ điện theo thị trường. Ngoài ra, truyền thông chính sách, quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ câu chuyện về giá điện…