BVR&MT – Mục tiêu từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tới, Quảng Ninh phấn đấu đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện; nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng… Để thực hiện mục tiêu này, từ tỉnh tới cơ sở đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp, trong đó tiếp tục quan tâm chuyển đổi số ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế – xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, phù hợp quy luật, yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, đã có 16/20 mục tiêu hoàn thành, đạt 80%; 4/20 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện đến hết năm 2025, chiếm 20%. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã nằm trong nhóm top đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) năm 2022; đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, kết quả công bố cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về chỉ số thành phần Chính quyền số. Tại hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số, Quảng Ninh được ghi nhận và biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm top đầu về hạ tầng số…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh cũng vẫn còn một số hạn chế. Hiện, Quảng Ninh đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, việc ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ nhân lực công nghệ thông tin đang vướng mắc vì thiếu các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Xã hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông có mặt còn bất cập. Doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông mỏng, nhất là thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) và kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.
Để quá trình chuyển đổi số của tỉnh được triển khai toàn diện hơn nữa, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh dẫn đầu về chuyển đổi số, mới đây tại cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các ngành, đơn vị chức năng đều nhấn mạnh, để đạt mục tiêu chuyển đổi số thành công, tỉnh Quảng Ninh cần xác định chuyển đổi nhận thức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương, đội ngũ CBCCVC và người dân. Theo đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn thể CBCCVC và người dân, cộng đồng doanh nghiệp về yêu cầu, nhu cầu, lợi ích của chuyển đổi số toàn diện qua đó tạo lập niềm tin cũng như tăng cường các giải pháp về an toàn, an ninh mạng, hình thành văn hóa số; rà soát tất cả các quy chế, quy trình nội bộ của từng cơ quan, địa phương, đơn vị để thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là thay đổi nhận thức; triệt để ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh một cách hiệu quả, thực chất và an toàn.
Hướng tới tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu, như y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số. Cùng với đó, tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% số cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số và kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP.
Trước mắt, từ nay đến hết năm 2024 phải tập trung cao điểm vào phát triển dữ liệu, xây dựng dữ liệu phục vụ chính quyền số, dữ liệu phục vụ kinh tế số và dữ liệu phục vụ xã hội số; tập trung chuyển đổi số cho các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, đối với lĩnh vực y tế phải rà soát lại tình hình xây dựng nền tảng số hỗ trợ cho tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý chuyên dùng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; nền tảng quản lý trạm y tế xã; nền tảng quản lý thông tin bệnh viện, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và tình hình số hóa thông tin sức khỏe, số hóa bệnh án điện tử liên thông thông suốt giữa các cơ sở y tế và giữa các cơ sở y tế với người dân để phục vụ cho nhân dân một cách thuận lợi nhất trong tra cứu, theo dõi khám chữa bệnh. Quảng Ninh phải là địa phương trong đi đầu chuyển đổi số của ngành y tế, là địa phương phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên công nghệ số vào top đầu cả nước.
Đối với ngành giáo dục, cần rà soát phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản lý, trong dạy và học, trong số hóa tài liệu, giáo trình, hệ thống học liệu; số hóa sách giáo khoa số; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập của cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Quảng Ninh phải là địa phương đi đầu chuẩn hóa học bạ điện tử cho tất cả cấp học, ngành, bậc học; số hóa và quản lý thống nhất hệ thống văn bằng, chứng chỉ, chương trình đào tạo gắn với từng học sinh, sinh viên; xây dựng nền tảng tra cứu học liệu số dùng chung cho tất cả các cấp học.