BVR&MT- Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp điện giảm lãi, thậm chí thua lỗ nặng, trong bối cảnh thủy văn không thuận lợi ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy thủy điện.
Bên cạnh đó, việc sửa chữa các tổ máy khiến khả năng phát điện của các nhà máy nhiệt điện bị hạn chế. Cùng đó, giá vốn tăng cao cũng “ăn mòn” lợi nhuận các doanh nghiệp ngành điện. Tuy nhiên, về dài hạn giới phân tích vẫn có góc nhìn lạc quan đối với doanh nghiệp ngành điện, đặc biệt là các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Giá vốn tăng “ăn mòn” lợi nhuận nhiệt điện
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC), sản lượng điện bán ra trong quý tăng, giúp doanh thu tăng. Tuy nhiên, do chi phí nhiên liệu, vật liệu và chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định tăng, khiến hoạt động sản xuất điện của doanh nghiệp này lỗ hơn 117 tỷ đồng.
Nhờ khoản doanh thu tài chính 184 tỷ đồng, chủ yếu là cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty liên kết nên Nhiệt điện Phả Lại đã thoát lỗ, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 84 tỷ đồng trong quý III.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) công bố mức lỗ kỷ lục 124 tỷ đồng trong quý III. Kết quả thua lỗ của doanh nghiệp là do doanh thu thuần sụt giảm 62% so với cùng kỳ năm trước, về mức 816 tỷ đồng.
Theo lý giải của công ty, doanh thu sản xuất điện giảm do nhà máy phải dừng để tiến hành đại tu từ ngày 7/9. Điểm tích cực là doanh thu tài chính gấp 17 lần cùng kỳ năm trước, đạt 35 tỷ đồng và không còn phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hàng trăm tỷ đồng như năm ngoái.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình (mã chứng khoán: NBP) cho biết, việc giá vốn kinh doanh tăng vọt trong quý III đã khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 2,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 1,4 tỷ đồng.
Do thực hiện đại tu theo kế hoạch với tổ máy số 4 từ ngày 15/8-30/9, làm giảm doanh số cố định và kéo lùi lợi nhuận sản xuất điện, dẫn đến thua lỗ trong kỳ của doanh nghiệp này.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Do giá nhiên liệu cao nên giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao, trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống của năm 2023. Đặc biệt, giá than cao vẫn đang đè nặng lên chi phí mua điện của tập đoàn này.
Hiện nay, than trong nước được khai thác ở mức 43 – 45 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng khoảng một nửa lượng than cho các nhà máy điện than.
Với quy mô điện than như hiện tại, ước tính than trong nước chỉ đảm bảo cho sản xuất điện dưới 20% tổng sản lượng điện. Các nhà máy còn lại phải nhập khẩu than, hoặc sử dụng than trộn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý III/2023, nhập khẩu than các loại vào Việt Nam đạt hơn 37,7 triệu tấn với trị giá hơn 5,3 tỷ USD, tăng 55,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 tháng năm 2023, nhập khẩu than đã vượt 40 triệu tấn.
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện cũng không sáng sủa hơn do điều kiện thủy văn năm nay không thuận lợi.
Lợi nhuận “cạn” theo dòng nước
Mới đây, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã chứng khoán: VSH) công bố, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm mạnh tới 88% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận quý III/2023 của công ty này sụt giảm mạnh chủ yếu là do doanh thu sụt giảm tới 41% so với cùng kỳ, còn 382 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ giảm 11%, xuống 222 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp bị thu hẹp.
Đồng thời, công ty vẫn phải chịu chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp gần như tương đương so với cùng kỳ.
Trong quý III/2023 doanh thu của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (mã chứng khoán: TBC) cũng giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 82 tỷ đồng. Trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 23 tỷ đồng, giảm tới 78% so với quý III/2022.
Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh được công ty lý giải chủ yếu do doanh thu hoạt động điện trong kỳ giảm mạnh, vì mực nước hồ thấp hơn cùng kỳ (hụt khoảng 782,7 triệu m3 nước). Lưu lượng nước về hồ bình quân cũng giảm 8%, khiến sản lượng điện thương phẩm giảm mạnh.
Giá bán điện bình quân quý III/2023 cũng thấp hơn do giá bán điện theo hợp đồng giảm, sản lượng điện hợp đồng tăng và sản lượng điện giao nhận giảm. Doanh thu dịch vụ của công ty này cũng giảm 37% so với cùng kỳ, do giá trị các hợp đồng dịch vụ được nghiệm thu giảm.
Ngoài ra, công ty không phát sinh tăng doanh thu cổ tức được chia từ công ty con như cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận quý III/2023 giảm mạnh.
Cũng không sáng sủa hơn, quý III, Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (mã chứng khoán: AVC) có doanh thu đạt gần 119 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 49 tỷ đồng, giảm lần lượt 60% và 73% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp thủy điện khác như Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (mã chứng khoán: VPD), Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba (mã chứng khoán: SBA), Công ty cổ phần Thủy điện Bắc Hà (mã chứng khoán: BHA), Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (mã chứng khoán: TMP) có mức lợi nhuận giảm 2 chữ số.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (mã chứng khoán: PIC) lỗ sau thuế 2 tỷ đồng trong quý III/2023. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng (mã chứng khoán: SVH) lỗ sau thuế gần 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 1,2 tỷ đồng.
Thực tế, tình hình thủy văn khô hạn, nhiều công trình thuỷ điện có mực nước thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thuỷ điện sụt giảm, thậm chí thua lỗ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), hiện tượng El Nino sẽ duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 – 80% với những đợt hạn hán kéo dài hơn dự kiến.
Với năng lượng tái tạo, dù được đánh giá có nhiều dư địa phát triển, nhưng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đi xuống.
Năng lượng tái tạo nhìn về tương lai
Theo số liệu của EVN, nguồn năng lượng tái tạo trong 9 tháng đạt 29,13 tỷ kWh, chiếm 13,9% sản lượng điện sản xuất, riêng điện mặt trời đạt 20,45 tỷ kWh, điện gió đạt 8,01 tỷ kWh.
Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam được đánh giá hấp dẫn để đầu tư, đặc biệt sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Dù vậy, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo trong quý III năm nay vẫn kém tích cực.
Cụ thể, quý III/2023, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM) đạt 2.874 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận gộp đạt 304 tỷ đồng, giảm 31%.
Trong quý, doanh thu tài chính của đơn vị này đạt 56 tỷ đồng, gần như không đổi. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí quản lý lại tăng lần lượt 37% và 41%.
Kết thúc quý III/2023, doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế 76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 66 tỷ đồng, cùng giảm 70% so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2023, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG) đạt doanh thu thuần 566 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, nhờ nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động. Trong khi đó, giá vốn giảm 10% so với cùng kỳ, xuống 273 tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp lãi gộp 293 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh 93% so với cùng kỳ, xuống 13 tỷ đồng, do không còn khoản doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần như quý III/2022.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh 42% so với cùng kỳ lên 252 tỷ đồng, chủ yếu vì chi phí lãi vay tăng lên khi nhà máy nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động và lãi suất vay vốn tăng.
Công ty cho biết, lãi suất từ cuối năm 2022 đến cuối tháng 9/2023 vẫn ở mức cao do ảnh hưởng từ tình hình lạm phát tại Mỹ và các nền kinh tế lớn, trong khi chi phí lãi vay bắt đầu được ghi nhận khi vận hành Nhà máy nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 với giá bán điện tạm tính bằng 50% giá chính thức. Đây cũng là 2 chỉ tiêu chính ảnh hưởng mạnh đến kết quả quý III của doanh nghiệp. Do đó, Công ty cổ phần Điện Gia Lai lãi ròng 14 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG), doanh nghiệp có doanh thu giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 1.017,9 tỷ đồng. Mảng năng lượng tái tạo đóng góp 325 tỷ đồng doanh thu (chiếm 31,9%). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp quý III đạt 9,1 tỷ đồng, giảm tới gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù hiện tại doanh nghiệp điện tái tạo có lợi nhuận kém tích cực, chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của hai nguồn điện gió và điện tua bin khí trong các thập kỷ tới dựa trên sự phân tích hai yếu tố nền tảng ngành điện. Cụ thể là sự ổn định hệ thống và tính hiệu quả kinh tế trong dài hạn.
Điều này cũng tương đồng với định hướng của Chính phủ trong Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng trưởng bình quân kép (CAGR) về công suất nhiệt điện tua-bin khí và điện gió lần lượt ở mức 16,1% và 20,2% trong giai đoạn 2022-2045.
Mức tăng trưởng này cao vượt trội so với con số 1,2% của thủy điện và 5% của nhiệt điện than, hay 5,4% của điện mặt trời.
Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cũng cho rằng, nhu cầu điện tăng trưởng nhanh trong trung và dài hạn ở mức cao mở ra nhiều cơ hội cho các lĩnh vực trong hệ thống điện
Những năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm.
Theo dự báo của EVN, tốc độ tăng trưởng này sẽ vẫn ở mức cao trong trung và dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030 lần lượt ở mức 11,4% và 7,9%.
Động lực này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tất cả các lĩnh vực trong hệ thống điện bao gồm tư vấn thiết kế, xây dựng, phát điện, truyền tải và phân phối trong các giai đoạn tới đây.