Hà Nội tạm dừng các hoạt động giải trí sau vụ cháy khiến 56 người chết

BVR&MT – Để chia sẻ sự mất mát của các gia đình có nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong, Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn, từ ngày 14 đến 17/9..

Yêu cầu này Chủ tịch UBND Hà Nội đưa ra sau vụ cháy chung cư mini trên địa bàn, khiến 56 người tử vong. Đây là động thái của chính quyền thành phố nhằm chia sẻ nỗi đau buồn, mất mát của các gia đình bị nạn.

Vụ cháy chung cư mini đã cướp đi sinh mạng của 56 người

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở ngành và quận, huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị chức năng tạm dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí do các đơn vị trực thuộc Hà Nội tổ chức.

Thời gian tạm dừng từ ngày 14/9 đến hết ngày 17/9.

Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đồng loạt tổ chức một phút mặc niệm nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy vào 8h sáng 18/9 (thứ Hai).

Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng sẽ rút ngắn chương trình làm việc tại nước ngoài để về chỉ đạo sau vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này.

Cùng ngày, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội có công văn về việc tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ cháy, bắt đầu từ ngày 15/9 (tức ngày 1/8 Âm lịch).

Trước đó, đêm 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình quận Thanh Xuân xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ. Căn nhà có diện tích khoảng trên 200m2 cao 9 tầng, chia thành 45 căn hộ với khoảng 150 người dân sinh sống.

Hà Nội tạm dừng các hoạt động giải trí sau vụ cháy khiến 56 người chết.

Đến tối 13/9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong).

Đồng thời, Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, chủ chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Sau vụ cháy xảy ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo UBND Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các sở, ngành liên quan và quận Thanh Xuân phối hợp hỗ trợ ở mức cao nhất đối với những trường hợp nạn nhân, hỗ trợ tạm cư cho các trường hợp thoát nạn.

Nguồn hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách, xã hội hóa, và nguồn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Bước đầu, đối với các trường hợp tử vong, Thành phố hỗ trợ 37 triệu đồng/người thiệt mạng và 12,4 triệu đồng/người bị thương.

Riêng đối với trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/trẻ bị thiệt mạng và 10 triệu đồng/trẻ bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa khác của Thành phố, quận, phường và tổ chức đoàn thể – xã hội.

Hà Nội cũng hỗ trợ đối với sinh viên, công nhân, người lao động thuê (hoặc ở ghép tại căn hộ) hỗ trợ mỗi cá nhân 1,5 triệu/người/tháng trong 6 tháng; hỗ trợ toàn bộ chi phí tại bệnh viện đối với người bị thương trong vụ hỏa hoạn phải điều trị tại bệnh viện.

Đồng thời, chính quyền hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập đối với trẻ em của các gia đình trong vụ hỏa hoạn với mức 5 triệu đồng/trẻ.

Tính đến 12h ngày 14/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ 47 trường hợp tử vong (trong đó có 16 trẻ em) và 37 người bị thương. Tổng kinh phí hỗ trợ 825 triệu đồng.

NGUỒNvov.vn
Tags:
CHIA SẺ