BVR&MT – Xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay. Bên cạnh đó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng đã linh hoạt trong các thủ tục cho vay đối với lĩnh vực này và vẫn bảo đảm an toàn tín dụng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Ðến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2,18 triệu tỷ đồng tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế, phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%). Trong đó, các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 48,05% dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, khối ngân hàng cổ phần cho vay chiếm 47,43%.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng các chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng; ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật, tạo mọi thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhờ đó, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được những kết quả tích cực”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình hỗ trợ vốn cho đối tượng này. Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Quang Hùng cho biết, xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng khách hàng chính và cũng là đối tượng ưu tiên, Agribank đã triển khai lãi suất cho vay dành cho đối tượng này với mức lãi suất cho vay thấp hơn rất nhiều (giảm đến 50%) so với lãi suất cho vay thông thường để tạo cơ hội cho khách hàng có thể mở rộng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ðến nay, dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân của Agribank đạt hơn 403 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 325 nghìn tỷ đồng/20 nghìn khách.
Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Phương cũng cho biết, BIDV có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa lên đến 24% tổng dư nợ, chiếm 40% trên tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp, với dư nợ tín dụng đạt hơn 329 nghìn tỷ đồng trên tổng tín dụng chung của ngân hàng là 1,5 triệu tỷ đồng. Số lượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đến nay đạt hơn 320 nghìn khách hàng, chiếm 98% lượng khách hàng doanh nghiệp tại BIDV.
Cần tiếp tục các giải pháp tháo gỡ
Ðánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, nhất là trong đại dịch Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cũng nhận định: Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng thương mại trong hai năm qua đã góp phần bảo đảm đạt được các mục tiêu kinh tế, cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, chia sẻ về thực trạng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Bùi Thu Thủy nhìn nhận, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn tài chính chính thống hiện nay còn thấp. Nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay là không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng về vốn, phương án kinh doanh không khả thi, thiếu tài sản bảo đảm,…
Trong khi đó, theo Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Trịnh Thị Ngân, việc vay vốn đối với các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì không có gì vướng mắc, tuy nhiên hiện lãi suất vay vốn lưu động còn cao, nhất là vay trung và dài hạn để đầu tư trong giai đoạn hiện nay là không khả thi vì lãi suất quá cao.
Do đó, bà Ngân kiến nghị để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ. Ðồng thời đề nghị Nhà nước có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn này để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Ðể thực hiện giải pháp đó chúng ta xây dựng tiêu chí để hỗ trợ những doanh nghiệp có điều kiện để ổn định và phát triển, nhất là doanh nghiệp sản xuất,” bà Ngân đề xuất.
Thực tế hiện nay, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư: Hơn 65% số doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp siêu nhỏ). Theo đó, quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Do đó, để tiếp cận được dòng vốn tín dụng tại các ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, có phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính minh bạch.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, do trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cũng cho biết, định hướng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ðồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa;… “Ngành ngân hàng sẽ đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian sắp tới”, Phó Thống đốc Ðào Minh Tú nhấn mạnh.