BVR&MT – Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức chiều 14/2, tại Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, công tác quy hoạch phải bài bản, phải chỉ rõ những khó khăn và đề ra các giải pháp.
Theo ông Khánh, với vị trí địa chính trị quan trọng, quy hoạch Hà Giang phục vụ cho phát triển nhưng phải bền vững, bảo vệ và giữ gìn.
Đặc biệt, để phát triển du lịch, cũng như kinh tế biên mậu của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cho biết, đơn vị tư vấn quy hoạch của tỉnh cũng đã nghiên cứu phương án xây dựng sân bay lưỡng dụng để máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh trên diện tích đất khoảng 500 ha.
Trình bày cụ thể về Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết tỉnh đặt mục tiêu phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện với phương châm “Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Trong đó, tỉnh đặt hướng tới mục tiêu tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia – điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic.
Các đô thị mang bản sắc của vùng, kiến trúc văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các mô hình sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển ổn định. Thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo anh sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Tại Quy hoạch, Hà Giang xây dựng kịch bản kinh tế; trong đó, phấn đấu số lượng vốn huy động khoảng 132.000 tỷ đồng để cải thiện hiệu quả sử dụng vốn cũng như phát triển các ngành kinh tế. Bên cạnh đó là việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang kết nối đến cửa khẩu Thanh Thủy hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn 2022 – 2030. Đưa sân bay Hà Giang vào quy hoạch và kêu gọi đầu tư. Ngoài ra là khả năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiềm năng phát triển du lịch…
Để cụ thể hóa các mục tiêu nêu trên, trong Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang sẽ quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các đô thị, trung tâm sản xuất, dịch vụ với 4 trục động lực tăng trưởng.
Đó là: Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) – thương mại, dịch vụ – cửa khẩu quốc tế – du lịch: Liên kết phát triển toàn bộ khu vực động lực trung tâm tỉnh; kết nối khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ với các huyện Vị Xuyên, Thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, Quang Bình.
Trục động lực kinh tế biên mậu – du lịch – đô thị (cấp huyện): Liên kết phát triển các khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới; các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Tây và phía Bắc của tỉnh; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu, cụm, điểm du lịch chính của tỉnh.
Trục động lực kinh tế đô thị – dịch vụ – công nghiệp là: Liên kết phát triển phát triển các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Nam của tỉnh với các khu vực khai thác lâm sản, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và trục động lực kinh tế du lịch – dịch vụ: Liên kết phát triển các khu, cụm, điểm du lịch và các đô thị trung tâm tăng trưởng khu vực phía Đông của tỉnh.
Cùng với đó, Hà Giang cũng xác định 4 cực phát triển cho thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đó là: Thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên: phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; các huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Bắc Mê: phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình: phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; đầu mối giao thông; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần: phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch.
Với 4 trục động lực và 4 cực phát triển, Hà Giang xác định đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tập trung nâng cấp và phát triển các sản phẩm du lịch, gồm: du lịch cộng đồng (các làng văn hóa du lịch cộng đồng); du lịch văn hóa; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (gắn với điều kiện thiên nhiên, khí hậu)…
Về kinh tế biên mậu, Hà Giang định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu đáp ứng xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, đầu mối trung chuyển, xuất nhập hàng hóa, giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Xây dựng các khu vực cửa khẩu nằm ngoài Khu kinh tế thành những khu tích hợp đa mục tiêu (Gồm: kinh tế, an ninh, quốc phòng và ngoại giao). Đưa các cửa khẩu phụ Săm Pun, Phố Bảng lên thành cửa khẩu chính….
Với ngành dịch vụ, tỉnh sẽ kết hợp phát triển giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử. Thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm, Trung tâm thương mại tại thành phố Hà Giang; các Trung tâm logistic tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy và khu vực lân cận; chợ đầu mối…