BVR&MT – Để thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp dược ngang tầm khu vực, trước mắt là chủ động cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý; ngành Dược vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu
Tháng 2/2022, khi dịch COVID-19 vào giai đoạn cao điểm, nhu cầu điều trị tăng vọt, Việt Nam đã kịp thời sản xuất được 3 loại thuốc chứa Molnupiravir là thuốc kháng virus sử dụng trong điều trị COVID-19, khẩn trương đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân, giúp người dễ dàng mua thuốc với giá thành hợp lý, rẻ hơn rất nhiều so với thuốc nhập khẩu.
Việc sản xuất được nhanh chóng các loại thuốc này đã giúp Việt Nam sớm tự túc được một phần thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 trong bối cảnh khan hiếm thuốc khi dịch lan rộng trên thế giới. Điều này cũng cho thấy các doanh nghiệp dược trong nước đã có năng lực đáp ứng khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực đó, sau đợt dịch thứ 4 vừa qua cũng đã xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có nguyên nhân của việc khan hiếm nguồn hàng, khó khăn trong nhập khẩu thuốc. Khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu, thị trường thuốc nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu đột biến; dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ sự “loay hoay” khi chuỗi cung ứng thuốc từ các nước bị đứt gãy.
Đơn cử như vừa qua đã xảy ra nguy cơ thiếu thuốc gây tê nha khoa tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Theo lãnh đạo Bệnh viện, loại thuốc tê nha khoa mà Bệnh viện đang sử dụng phải nhập khẩu từ Pháp, Canada; Việt Nam chưa sản xuất được loại thuốc này.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết vừa qua, nhu cầu sử dụng các dịch truyền chứa Dextran 40 hoặc Dextran 70 trong điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết đã gia tăng đột biến. Tuy nhiên, với các loại thuốc này, hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Việc nhập khẩu thuốc gặp phải nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam (hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho Việt Nam).
Từ những sự việc trên cho thấy, việc chủ động sản xuất được dược phẩm trong nước sẽ giúp Việt Nam không bị rơi vào thế bị động. Đây cũng là định hướng của Chính phủ trong thời gian tới.
Đánh giá về tình hình ngành Dược hiện nay, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện cả nước có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Năm 2021, tổng giá trị thuốc ước tính sử dụng là 6,92 tỉ USD (tương đương 73 USD/người); thuốc trong nước chiếm 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp dược phẩm chủ yếu tập trung sản xuất thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic), chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh… Trong khi đó, tại thị trường dược Việt Nam, các thuốc phát minh chỉ chiếm 3%, nhưng chiếm tới 22% giá trị, chủ yếu nhập khẩu”.
Đặc biệt, đối mặt với dịch bệnh vừa qua, ngành dược Việt Nam đã lộ rõ những điểm yếu, nhất là việc có tới 80- 90% nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu; trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung lớn nhất. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, việc sản xuất các nguồn nguyên liệu bị gián đoạn ở các quốc gia này, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn hóa chất dược phẩm nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến việc sản xuất trong nước thời gian qua.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, hiện việc sản xuất thuốc trong nước vẫn còn một số hạn chế như: Các cơ sở sản xuất thuốc chủ yếu đầu tư các dây chuyền sản xuất các dạng bào chế đơn giản mà rất hạn chế đầu tư, áp dụng công nghệ để sản xuất các dạng bào chế hiện đại. Việc đầu tư còn trùng lắp, sản xuất thuốc có giá trị thấp, các dây chuyền sản xuất đơn giản, chủ yếu tập trung các loại thuốc thông thường và “nhái” mẫu mã…
Hiện các thuốc biệt dược, một số thuốc chuyên khoa đặc trị với với dạng bào chế phức tạp vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài; nguyên nhân là do thiếu sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước về vốn và đầu ra của sản phẩm.
Bên cạnh đó, trong khi phát triển sản xuất thuốc generic hiện là ưu tiên của nhiều quốc gia bao gồm cả các nước phát triển thì chính sách hỗ trợ phát triển thuốc generic vẫn chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Về trình độ về kỹ thuật công nghệ của nhân lực ngành Dược hiện vẫn còn hạn chế, chưa có cơ hội tiếp cận và được đào tạo nâng cao, tiếp cận công nghệ hiện đại, công tác nghiên cứu áp dụng kỹ thuật bào chế mới chưa được chú trọng triển khai và áp dụng vào sản xuất. Các cơ sở có khả năng tìm kiếm đối tác và có định hướng nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy EU-GMP, PICs-GMP để phát triển theo hướng chuyển giao công nghệ cũng còn gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư. Thiếu vốn cũng làm cho việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đầu tư cho các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu điều trị bệnh bị hạn chế.
Đặc biệt, Việt Nam cũng chưa phát triển được thế mạnh của nước có tiềm năng về dược liệu và nền y học cổ truyền, sản xuất được vaccine và phát triển hóa dược nhằm tăng khả năng đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp dược Việt Nam.
Bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam: Để thuốc sản xuất trong nước đạt tỷ trọng cao dần lên, cần đầu tư đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp phải áp dụng các kỹ thuật cao cũng như chuyển giao công nghệ các loại thuốc; từ đó tăng giá trị thuốc sản xuất trong nước. |
Tháo gỡ khó khăn
Vừa qua Chính phủ đã có Quyết định về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm xây dựng các cơ chế, giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các bất cập để từng bước đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan triển khai.
Theo đó, mục tiêu lớn nhất là cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.
Để phát triển công nghiệp dược, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho rằng: Hiện các chính sách ưu đãi với ngành Dược đã ở mức tối đa; các ưu đãi đầu tư cho ngành Dược như miễn thuế đất, các chính sách ưu đãi cũng cần có cách có thể thu hút và tổ chức thực hiện được. Các lĩnh vực công nghiệp dược cần tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ bào chế và nâng cao chất lượng sản phẩm; sản xuất nguyên liệu; xây dựng các trung tâm nghiên cứu vaccine, sinh phẩm và chuyển giao công nghệ vaccine đa giá; phát triển nguồn dược liệu trong nước; nâng cao năng lực nghiên cứu, kiểm nghiệm dược phẩm.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam, đến nay các công ty dược trong nước đều đã có tiêu chuẩn rất cao như: GMP-WHO, GMP-EU, PICs-GMP. Ngành dược của Việt Nam cũng đang ở mức tiêu chuẩn rất cao so với các nước xung quanh; đây là điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu công nghiệp dược. Dự kiến đến năm 2025, nếu các nhà máy này sản xuất hết công suất thì Việt Nam không thiếu thuốc và tỷ lệ thuốc nội địa chắc chắn đạt được 70- 80%. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào một số yếu tố. Cụ thể, các nhà máy được cấp phép đầy đủ thì việc sản xuất sẽ thường xuyên, đảm bảo không bị thiếu thuốc; nếu tăng sản lượng thì giá trị sẽ tăng theo; tuy nhiên còn phụ thuộc vấn đề việc nhượng quyền sản xuất, các thuốc phát minh, biệt dược gốc, các cơ chế thương mại đa phương mà Việt Nam tham gia. Đặc biệt là vấn đề chúng ta có năng lực sản xuất thuốc nhưng có sử dụng được hay không lại liên quan đến cơ chế đấu thầu.
Ông Đinh Xuân Huấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam cũng kiến nghị, thời gian tới các doanh nghiệp dược cần được tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn tài chính; do hiện nay tỷ lệ nợ tiền thuốc sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh rất lớn, với số vốn nhỏ, các doanh nghiệp rất khó để có thể quay vòng đầu tư; cơ chế đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao cũng cần có sự linh hoạt kết hợp cả sản xuất các loại thuốc thông thường khác.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất, cần tháo gỡ, cải cách triệt để các thủ tục hành chính như: Cấp số đăng ký lưu hành thuốc; tiền kiểm, hậu kiểm trong lĩnh vực dược phẩm; cùng với những ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng để thúc đẩy công nghiệp dược trong nước phát triển.
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp dược mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của chiến lược phát triển công nghiệp dược là bảo đảm có đủ thuốc tốt, giá hợp lý nhất cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Bộ Y tế sửa Luật Dược nhanh nhất có thể. Không chỉ tập trung xử lý những vấn đề trước mắt, mà cần chú ý cả những mục tiêu dài hạn như: Định hướng phát triển công nghiệp dược, hệ thống phân phối. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng khẩn trương trình phương án xử lý tình trạng nợ đọng tiền thuốc, vật tư thuộc diện bảo hiểm y tế chi trả do thanh toán vượt trần.
Đặc biệt, Bộ Y tế cần tổ chức họp, làm việc định kỳ với hiệp hội, doanh nghiệp dược phẩm, cùng các bộ, ngành liên quan để xử lý ngay các vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tiễn.